Người Yogi đã đi rất nhiều nơi. Anh đã trở thành rất nhiều thứ. Thế nhưng, dường như câu trả lời vẫn còn nằm ở một nơi nào đó, quá xa vời.
Mọi thứ đang sai ở chỗ nào vậy? Người Yogi ngẫm nghĩ. Anh quyết định ngồi xuống và quay trở lại khởi nguồn. Rốt cuộc, phiền não là gì? Và đâu mới là nguyên nhân dẫn đến phiền não? Vào lúc này, người Yogi nhận thấy phiền não lớn nhất của con người, chính là cái chết. Tiếp theo đó, là phải trải nghiệm những gì họ không thích. Tiếp theo đó, là phải rời xa những gì họ thích. Và cuối cùng, họ bị bó buộc vào một hoặc một vài vai trò mình phải gánh vác trong cuộc đời. Tất cả những điều đó đã tạo nên những bức tường, ngăn cản một người nhìn thấy sự thật. Với những gì đã xảy ra, người Yogi cho rằng giải pháp hoàn hảo nhất là hãy tận hưởng một cuộc sống ý nghĩa, đa dạng, đầy màu sắc, bằng việc đảm nhiệm thật nhiều vai trò. Anh đã trở thành một nhà văn, anh đã trở thành một thầy giáo. Thỉnh thoảng, anh làm việc ở ngân hàng. Đôi khi, anh làm việc ở tiệm bánh. Anh trở thành tất tần tật những gì có thể là, để ngắm nhìn một cuộc sống đầy thú vị. Thế nhưng, tất cả những điều đó vẫn chỉ là góc nhìn. Việc thay đổi tính định danh, cái tôi, hay vai trò là chưa đủ. Anh còn phải loại bỏ cả những gì mình thích, mình không thích, để hướng đến đích cuối cùng là loại bỏ nỗi sợ chết. Câu hỏi này dẫn đến câu hỏi khác. Suy nghĩ này dẫn đến suy nghĩ khác. Người Yogi nhận ra rằng, vốn dĩ, nguồn gốc của phiền não đều bắt nguồn từ ham muốn của tinh thần, mà cụ thể hơn nữa, là ham muốn của các giác quan. Tại sao vậy nhỉ? Người Yogi tự hỏi. Vì nỗi sợ chết. Người Yogi tự trả lời. Để tồn tại, con người phải liên tục chống chọi với điều kiện thời tiết, với thiên nhiên thú dữ, với mối quan hệ của muôn loài. Cũng vì thế, các giác quan đã phải tự trui rèn sự cảnh giác, để có thể bảo vệ mình. Nhưng cũng vì thế, các giác quan cũng đã quá tập trung vào thế giới bên ngoài, mà quên mất đi sự cảm nhận của thế giới bên trong. Tất cả mọi phiền não đều bắt nguồn từ ham muốn. Vấn đề là không có cách nào thỏa mãn được ham muốn từ thế giới bên ngoài, cho dù có thử bao nhiêu lần đi chăng nữa. Một khi ham muốn chưa được lấp đầy, ngay lập tức nó sẽ thôi thúc người thực hành phải thỏa mãn bản thân mình. Thế nhưng, một khi ham muốn đã được lấp đầy, cũng ngay lập tức, nó sẽ đòi hỏi thêm một hoặc một vài ham muốn khác. Một vòng xoáy không hồi kết, khi con người cố thỏa mãn ham muốn từ thế giới bên ngoài. Người ở Sài Gòn thích không khí ở Đà Lạt. Người ở Đà Lạt thích không khí ở Sài Gòn. Người làm việc văn phòng thấy người làm việc freelance thật tự do. Người làm việc freelance thấy người làm việc văn phòng thật ổn định. Người bình thường mong muốn có một cuộc sống giống như người nổi tiếng, để có nhiều người ngưỡng mộ. Người nổi tiếng mong muốn có một cuộc sống giống như người bình thường, để có thể tận hưởng mọi thứ thật yên bình. Dường như, có một nghịch lý là chúng ta đang ngày đêm nỗ lực để đến được một nơi, mà tại đó, cũng có ai đó đang ngày đêm nỗ lực để rời khỏi. Giác quan thật phiền toái. Người Yogi ngẫm nghĩ. Khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác, thính giác đều đang gào thét, bắt người Yogi phải thỏa mãn mình. Từ trước đến giờ, anh cứ nghĩ mình là người làm chủ các giác quan, bắt bọn chúng phục vụ mình để cảm nhận thế giới. Nhưng giờ đây, anh đã nhận thức được rằng, dường như là ngược lại. Anh đang phải làm rất nhiều điều, chỉ để thỏa mãn chúng. Người Yogi gật gù. Đã đến lúc tiến sâu hơn một bước nữa vào chuyến hành trình. Anh ngồi xuống, nhắm mắt, và thu lại các giác quan. Đó là Pratyahara, hướng vào bên trong, nhánh thứ năm của 8 nhánh Ashtanga.
0 Comments
Trong quá trình tìm kiếm sự thật, người Yogi đã tìm thấy bản thân mình. Trong quá trình tìm kiếm bản thân mình, người Yogi nhận thức được Thượng Đế.
Anh đi rất nhiều nơi, anh đọc rất nhiều sách, anh gặp gỡ rất nhiều người. Những mảnh ghép bắt đầu hoàn thiện. Thế nhưng, người Yogi cũng bắt đầu nhận thức được những giới hạn. Anh không thể nào hiểu được Thượng Đế. Anh không có đủ thời gian, anh không có đủ kiến thức, anh không có đủ bất cứ nguồn lực nào để có thể hiểu được tường tận kế hoạch mà Thượng Đế đã tạo ra cho muôn loài. Thế nhưng, không bỏ cuộc, người Yogi vẫn tiếp tục chuyến hành trình. Người Yogi nghe nói Thượng Đế có mặt ở khắp mọi nơi. Và như vậy, anh quyết định đi đến khắp mọi nơi để tìm kiếm. Anh từ bỏ gia đình, từ bỏ nhà cửa, từ bỏ tất cả mọi ham muốn và trở thành một người du mục. Anh cứ đi, đi mãi, trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, rồi nhiều chục năm. Thế nhưng, người Yogi vẫn chưa thể nào tìm được Thượng Đế. Người Yogi nghe nói Thượng Đế có mặt trong tất cả muôn loài. Và như vậy, anh quyết định trở thành tất cả muôn loài để tìm kiếm. Anh ngồi xuống, quan sát và bắt chước. Anh trở thành cái cây. Anh trở thành trái núi. Anh trở thành con cá. Anh trở thành con công. Anh trở thành chiến binh, anh trở thành vị thần. Anh trở thành người bình thường. Anh trở thành con bò. Anh trở thành con chó. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, trong nhiều năm. Không một ai thật sự biết chính xác người Yogi đã phải trải qua những gì. Thế nhưng, anh vẫn chưa thể nào gặp mặt Thượng Đế. Dường như có điều gì đó không ổn. Người Yogi ngẫm nghĩ. Nếu Thượng Đế có mặt ở khắp mọi nơi, tồn tại trong tất cả muôn loài, vậy tại sao anh vẫn chưa thể nào tìm thấy? Người thanh niên mở mắt. Anh nhận thấy mình đang ngồi ở bìa rừng. Không rõ từ đâu, một con rắn từ trong bụi cỏ xuất hiện, nó trườn đến trước mặt anh vươn cổ và rít lên. Người Yogi nhìn con rắn. Con rắn nhìn người Yogi. Cả hai nhìn nhau liên tục trong một thời gian dài. Nhưng rồi, con rắn trườn đi. Vào khoảnh khắc ấy, người Yogi chợt nhận ra được một điều. Anh không thể nào trở thành một con rắn tốt như một con rắn. Anh không thể nào trở thành một con công tốt như một con công. Hãy cứ để những con vật thực hiện tốt những vai trò mà chúng được ban tặng. Còn anh? Người Yogi bật cười. Nếu quả thật Thượng Đế có mặt ở khắp mọi nơi, tồn tại trong tất cả muôn loài… Vậy thì Thượng Đế cũng đang ở đây, trong chính cơ thể này. Không cần phải đi đâu cả. Không cần phải trở thành cái cây. Không cần phải trở thành trái núi. Không cần phải trở thành bất cứ con vật nào. Người Yogi quyết định trở thành chính mình. Anh ngồi xuống, nhắm mắt. Ngày xửa, ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có một người được sinh ra trong một gia đình quyền quý. Ngay từ nhỏ, cậu bé đã được nâng niu chăm sóc, không thiếu thốn bất kì một thứ gì. Mọi món ngon vật lạ, mọi danh lam thắng cảnh, cậu đã được đi, cậu đã được nếm, cậu đã được chiêm nghiệm. Thế nhưng, rõ ràng, có điều gì đó không ổn. Cậu không biết lý do tại sao. Cậu không biết diễn tả như thế nào. Cậu chỉ biết giữ những điều đó cho riêng mình.
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, cậu bé lớn lên trở thành một chàng thanh niên trong tình yêu thương của gia đình. Một ngày kia, người thanh niên đổ bệnh. Anh không thể ăn. Anh không thể ngủ. Anh chỉ nằm một chỗ, li bì và ngẫm nghĩ. Lần đầu tiên, anh nhận thức được sự yếu đuối của bản thân mình, dù được bao bọc trong của cải. Anh bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh, anh bắt đầu tìm hiểu về cơn đau. Chuyện này dẫn đến chuyện nọ, anh bắt đầu tìm hiểu về cái chết, và những gì xảy ra sau đó. Phải chăng, cuộc đời của một con người không gì khác ngoài những phiền não? Tại sao con người được sinh ra? Tại sao con người phải chết đi? Và nếu vậy, những tháng năm tồn tại trong cuộc sống thì có ý nghĩa gì, khi rồi đây, tất cả sẽ biến mất. Con người không thích quá nhiều thứ, từ thiên nhiên cho đến thú dữ, từ thời tiết cho đến môi trường. Con người không thích các động vật khác. Con người không thích lẫn nhau. Và rồi, con người cũng thích quá nhiều thứ, những cái họ không có được, những cái họ đánh mất, và kể cả những cái không thuộc về mình. Con người khoác lên trên người quá nhiều tên gọi, với quá nhiều vai trò, nhưng sự thật, chẳng một ai hiểu rõ chính bản thân mình. Con người không biết họ từ đâu đến, không biết họ sẽ đi đâu, và không biết chuyện gì đang xảy ra ở giữa. Người thanh niên không biết. Nhưng thật lòng, anh rất muốn được biết. Câu hỏi: Em thích tập Yoga. Nhưng có thể kết hợp tập Yoga cùng với các bộ môn khác như Gym, Dance được không?
Trả lời: Được. Không những thế, bạn còn có thể kết hợp tập Yoga cùng rất nhiều bộ môn khác như Aerobic (hiếu khí), Anaerobic (kỵ khí), Crossfit, Pilates, Kickbox, Aikido, Muay Thái, chạy bộ, bơi lội bóng đá, bóng rổ, cầu lông, viết lách, vẽ tranh, làm gốm, sáng tác nhạc, chơi cờ vây, chơi guitar, tranh biện, thuyết trình, hoạch định dự án… Bởi đơn giản, cho dù mang ý nghĩa nào, thì Yoga cũng không hề mâu thuẫn với bất kỳ hoạt động nào bạn có thể nghĩ đến.
Một lần nữa, Yoga là hòa hợp. Yoga không là mâu thuẫn. Nên bạn có thể tự do thoải mái tập luyện Yoga cùng với bất kì một bộ môn nào mà mình thích. Hãy cẩn thận nếu như ai đó trói buộc bạn với Yoga, với những quy luật, định kiến, phải làm theo cách này mới đúng, còn làm theo cách khác là sai, chỉ có tập theo kiểu này mới chính xác, còn tập theo kiểu khác thì không. Yoga khuyến khích bạn mở lòng, gia tăng trải nghiệm với bất kỳ rung động nào bạn cảm thấy thú vị. Hãy hiểu rằng, cuộc sống lớn hơn rất nhiều so với bất kì một nguyên tắc hay trường phái. Và Yoga không là gì khác ngoài cuộc sống. Câu hỏi: Yoga cơ bản và Yoga nâng cao có gì khác nhau? Làm sao tôi biết khi nào mình có thể học được lớp Nâng cao?
Trả lời: Yoga là một chuyến hành trình mà mỗi người phải tự mình trải nghiệm. Bạn có thể nghe ai đó nói về Yoga, về những lợi ích diệu kỳ mà bộ môn này mang lại. Bạn có thể nhìn thấy hình ảnh nào đó về Yoga, về những tư thế khó, về khả năng uốn dẻo hay đứng bằng đầu. Bạn cũng có thể đọc ở đâu đó về Yoga, về những vị thiền sư, về thân tâm trí, về sự tỉnh thức hay giác ngộ. Thế nhưng, tất cả chỉ là những câu chuyện, nếu như bạn không tự mình trải nghiệm. Để trả lời cho câu hỏi về sự khác biệt giữa Yoga cơ bản và Yoga nâng cao, trong giới hạn bài viết, chúng ta tạm thời chia Yoga theo hai cách tiếp cận. Thứ nhất, tập luyện Yoga với ý nghĩa tập luyện tư thế (Asana), hướng đến mục tiêu tăng cường thể chất, hay thư giãn tinh thần. Thứ hai, tập luyện Yoga với ý nghĩa là một quá trình làm chấm dứt sự lạc lối của ý thức cá nhân, Yogaschitta vrtti nirodhah |