Con đường Yoga
  • Home
    • Lớp cộng đồng
  • About
  • Books
  • Blogs

Câu chuyện người Yogi (phần cuối)

10/12/2021

0 Comments

 
Picture
Người Yogi đã đi rất nhiều nơi. Anh đã trở thành rất nhiều thứ. Thế nhưng, dường như câu trả lời vẫn còn nằm ở một nơi nào đó, quá xa vời. 

Mọi thứ đang sai ở chỗ nào vậy? Người Yogi ngẫm nghĩ. Anh quyết định ngồi xuống và quay trở lại khởi nguồn. Rốt cuộc, phiền não là gì? Và đâu mới là nguyên nhân dẫn đến phiền não? Vào lúc này, người Yogi nhận thấy phiền não lớn nhất của con người, chính là cái chết. Tiếp theo đó, là phải trải nghiệm những gì họ không thích. Tiếp theo đó, là phải rời xa những gì họ thích. Và cuối cùng, họ bị bó buộc vào một hoặc một vài vai trò mình phải gánh vác trong cuộc đời. Tất cả những điều đó đã tạo nên những bức tường, ngăn cản một người nhìn thấy sự thật. Với những gì đã xảy ra, người Yogi cho rằng giải pháp hoàn hảo nhất là hãy tận hưởng một cuộc sống ý nghĩa, đa dạng, đầy màu sắc, bằng việc đảm nhiệm thật nhiều vai trò.

Anh đã trở thành một nhà văn, anh đã trở thành một thầy giáo. Thỉnh thoảng, anh làm việc ở ngân hàng. Đôi khi, anh làm việc ở tiệm bánh. Anh trở thành tất tần tật những gì có thể là, để ngắm nhìn một cuộc sống đầy thú vị. Thế nhưng, tất cả những điều đó vẫn chỉ là góc nhìn. Việc thay đổi tính định danh, cái tôi, hay vai trò là chưa đủ. Anh còn phải loại bỏ cả những gì mình thích, mình không thích, để hướng đến đích cuối cùng là loại bỏ nỗi sợ chết.

Câu hỏi này dẫn đến câu hỏi khác. Suy nghĩ này dẫn đến suy nghĩ khác. Người Yogi nhận ra rằng, vốn dĩ, nguồn gốc của phiền não đều bắt nguồn từ ham muốn của tinh thần, mà cụ thể hơn nữa, là ham muốn của các giác quan. 

Tại sao vậy nhỉ? Người Yogi tự hỏi. 
Vì nỗi sợ chết. Người Yogi tự trả lời. Để tồn tại, con người phải liên tục chống chọi với điều kiện thời tiết, với thiên nhiên thú dữ, với mối quan hệ của muôn loài. Cũng vì thế, các giác quan đã phải tự trui rèn sự cảnh giác, để có thể bảo vệ mình. Nhưng cũng vì thế, các giác quan cũng đã quá tập trung vào thế giới bên ngoài, mà quên mất đi sự cảm nhận của thế giới bên trong.

Tất cả mọi phiền não đều bắt nguồn từ ham muốn. Vấn đề là không có cách nào thỏa mãn được ham muốn từ thế giới bên ngoài, cho dù có thử bao nhiêu lần đi chăng nữa. Một khi ham muốn chưa được lấp đầy, ngay lập tức nó sẽ thôi thúc người thực hành phải thỏa mãn bản thân mình. Thế nhưng, một khi ham muốn đã được lấp đầy, cũng ngay lập tức, nó sẽ đòi hỏi thêm một hoặc một vài ham muốn khác. Một vòng xoáy không hồi kết, khi con người cố thỏa mãn ham muốn từ thế giới bên ngoài. 

Người ở Sài Gòn thích không khí ở Đà Lạt. Người ở Đà Lạt thích không khí ở Sài Gòn. 
Người làm việc văn phòng thấy người làm việc freelance thật tự do. Người làm việc freelance thấy người làm việc văn phòng thật ổn định.
Người bình thường mong muốn có một cuộc sống giống như người nổi tiếng, để có nhiều người ngưỡng mộ. Người nổi tiếng mong muốn có một cuộc sống giống như người bình thường, để có thể tận hưởng mọi thứ thật yên bình.

Dường như, có một nghịch lý là chúng ta đang ngày đêm nỗ lực để đến được một nơi, mà tại đó, cũng có ai đó đang ngày đêm nỗ lực để rời khỏi. 
Giác quan thật phiền toái. Người Yogi ngẫm nghĩ. Khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác, thính giác đều đang gào thét, bắt người Yogi phải thỏa mãn mình. Từ trước đến giờ, anh cứ nghĩ mình là người làm chủ các giác quan, bắt bọn chúng phục vụ mình để cảm nhận thế giới. Nhưng giờ đây, anh đã nhận thức được rằng, dường như là ngược lại. Anh đang phải làm rất nhiều điều, chỉ để thỏa mãn chúng.

Người Yogi gật gù. Đã đến lúc tiến sâu hơn một bước nữa vào chuyến hành trình. Anh ngồi xuống, nhắm mắt, và thu lại các giác quan. Đó là Pratyahara, hướng vào bên trong, nhánh thứ năm của 8 nhánh Ashtanga.​
Picture
Người Yogi nhận thức được rằng, cho dù anh ta có đang tìm kiếm điều gì, thì câu trả lời cũng chưa bao giờ nằm ở bên ngoài. Và điều đó dẫn đến một câu hỏi. 
Tại sao chúng ta không đơn giản bắt đầu chuyến hành trình ngay tại Pratyahara? Mà thay vào đó, chúng ta lại phải trải qua bốn nhánh đầu tiên, với những trải nghiệm của thế giới bên ngoài, dẫu biết rằng câu trả lời chưa bao giờ nằm ở đó?

Bởi, một lần nữa, tâm trí thì hỗn loạn. Hãy cứ tưởng tượng có một ai đó tự nhiên tiến lại gần và nói với bạn rằng, cho dù bạn có đang tìm kiếm điều gì, thì câu trả lời cũng chưa bao giờ nằm ở bên ngoài. Bạn sẽ bối rối. Bạn sẽ không tin. Hoặc rất có thể, bạn sẽ nghĩ rằng người đó đang lừa đảo. 

Và như vậy, để có thể toàn tâm, toàn ý hướng vào bên trong, thì người thực hành sẽ được hướng dẫn hãy hoàn thành tất cả những nguyện ước trước đó đến từ bên ngoài. Nếu bạn vẫn nghĩ rằng chỉ cần có được một thân hình đó, cuộc sống sẽ hạnh phúc, thì hãy nỗ lực để có được thân hình đó. Nếu bạn vẫn nghĩ rằng chỉ cần có được công việc đó, mối quan hệ đó, chiếc xe đó, ngôi nhà đó, cuộc sống sẽ dễ dàng, thì hãy nỗ lực để có được những điều mình muốn. Có thể bạn sẽ đạt được những mục tiêu của mình, hoặc cũng có thể không. Thế nhưng, chừng nào tâm trí vẫn còn tin rằng câu trả lời vẫn còn đang nằm ở bên ngoài, thì bộ hướng dẫn hướng vào bên trong vẫn còn là vô nghĩa. Nó cũng giống như việc khuyên nhủ một người đang buồn là đừng buồn nữa mà thay vào đó, hãy vui lên. Vui là một mục tiêu. Vui không phải là quá trình. Vui càng không phải là cách thức, với từng bước thực hiện. Điều người đang buồn cần không phải là một mục tiêu, hãy vui lên. Bởi nếu như có thể vui lên, thì họ đã không phải buồn ngay từ đầu. 

Ai cũng có thể đưa cho bạn một mục tiêu. Ngay cả chính bạn cũng có thể đưa cho mình rất nhiều mục tiêu. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng có thể ở cùng bạn, đưa ra những hướng dẫn hay cách thức, để từng bước thực hiện mục tiêu đó. Yoga không phải là niềm tin. Yoga không phải lên tinh thần, Yoga không phải truyền cảm hứng. Yoga là một bộ hướng dẫn hoàn chỉnh về sự thật. Và sự thật là điều bạn phải tự mình tìm kiếm, trước hết ở những nơi bạn nghĩ, sau đó là ở những nơi bạn tin, và cuối cùng là ở tất cả những nơi còn lại, để cho tâm trí được hoàn thành và tự nói với chính mình “À thì ra… Câu trả lời không nằm ở bên ngoài.”

Đây là một khoảnh khắc quyết định. Bởi nếu như không có khoảnh khắc này, tất cả những gì xảy ra sau đó chỉ là ảo tưởng. Mặc dù cùng bước trên con đường Yoga, thế nhưng không ít người vẫn chỉ dùng Yoga như một công cụ, để phục vụ những mục tiêu ở bên ngoài, như tài chính, danh tiếng, nhu cầu tự thể hiện. Đó là một điều bình thường, tất yếu. Tuy nhiên, người thực hành cần nỗ lực để vượt qua trạng thái này, để có thể tiếp tục chuyến hành trình, hướng vào bên trong.

Pratyahara, nhánh thứ năm của Ashtanga, được xem là một cánh cửa, để chuyển hướng chuyến hành trình. Trước đó, những giác quan vẫn hướng về thế giới bên ngoài, với mong muốn được tận hưởng một cuộc sống ý nghĩa, đa dạng, đầy màu sắc. Bất kể nơi nào bạn đi, bất kể nơi nào bạn đến, đều ẩn chứa một mục đích. Có thể vì tài chính, có thể vì danh tiếng, có thể vì cảm giác dễ chịu, vui sướng hay bình yên. Một khi đã bước chân ra khỏi nhà, bạn sẽ luôn muốn một điều gì đó. 
Vậy còn chiều ngược lại? 
Chào mừng bạn trở về nhà.
Picture
Hãy hiểu rằng, nếu không có cánh cửa, bạn không thể nào vào nhà. Bạn phải quay ngược trở lại, tiếp tục đi loanh quanh trên những cung đường, cho đến một ngày mệt nhoài chợt nhận ra không còn bao nhiêu thời gian nữa. Khi nói đến Yoga, chúng ta thường nói đến các chủ đề phổ biến như tư thế, định tuyến, hít thở, chế độ ăn, tụng niệm, thiền định, hát kirtan…

Trong khi đó, Pratyahara, hướng vào bên trong, lại là một chủ đề rất quan trọng nhưng thường bị bỏ qua, hoặc đánh giá thấp (so với các nhánh còn lại). Nếu không hoàn thiện được bước này, người thực hành sẽ không thể nào trải nghiệm được trạng thái tập trung. Và như vậy, cũng sẽ không thể nào hướng đến thiền định hay samadhi.

~~~
Để tìm hiểu ý nghĩa của tập trung, hãy nói về những gì đã xảy ra trong một lớp tập. Hãy nhớ lại một vài quy định. Ví dụ hãy tắt chuông điện thoại, bật chế độ im lặng, hoặc tốt hơn nữa, hãy để điện thoại ở bên ngoài. Hãy đến lớp đúng giờ, hoặc tốt hơn nữa, hãy đến trước thời điểm bắt đầu từ 5 đến 10 phút. Không quay phim, chụp ảnh, không nói chuyện riêng, không làm phiền người bên cạnh. Những hành động này tuy nhỏ, rất nhỏ, nhưng có ảnh hưởng lớn, rất lớn đến chất lượng của buổi tập. Và như vậy, trước khi bước vào lớp, hãy chắc rằng bạn đã ngắt kết nối với bên ngoài, để có thể cảm nhận được trạng thái thăng hoa đắm chìm. Luôn có một sự khác biệt rất lớn giữa việc thực hành trong lớp và tự luyện tập tại nhà. Vấn đề không chỉ nằm ở không gian vật chất. Vấn đề còn nằm trong mức độ tập trung của hoạt động.

Để tìm hiểu ý nghĩa của tập trung, hãy nói về những gì đã xảy ra trong một rạp chiếu phim. Hãy nhớ lại một vài quy định. Ví dụ hãy tắt chuông điện thoại, bật chế độ im lặng, hoặc tốt hơn nữa, hãy để điện thoại ở bên ngoài. Hãy đến rạp đúng giờ, hoặc tốt hơn nữa, hãy đến trước thời điểm bắt đầu từ 5 đến 10 phút. Không quay phim, chụp ảnh, không nói chuyện riêng, không làm phiền người bên cạnh. Những hành động này tuy nhỏ, rất nhỏ, nhưng có ảnh hưởng lớn, rất lớn đến chất lượng của bộ phim. Và như vậy, trước khi bước vào rạp chiếu phim, hãy chắc rằng bạn đã ngắt kết nối với bên ngoài, để có thể cảm nhận được trạng thái thăng hoa đắm chìm. Luôn có một sự khác biệt rất lớn giữa việc xem phim tại rạp và tự xem phim tại nhà. Vấn đề không chỉ nằm ở không gian vật chất. Vấn đề còn nằm trong mức độ tập trung của hoạt động.
Điều tương tự xảy ra với bất kì một hoạt động nào như hội họa, làm bánh, viết lách, tâm sự, tỏ tình. Càng gia tăng mức độ tập trung, càng gia tăng mức độ trải nghiệm. Càng gia tăng mức độ trải nghiệm, càng gia tăng cơ hội gần với thăng hoa.

Bạn không thể làm việc gì hiệu quả mà không có tập trung. Bạn không thể nào sống trong hiện tại mà không có tập trung. Sống trong hiện tại chính là tập trung. Và nếu không tập trung vào sự thật, bạn sẽ không thể nào tìm thấy được sự thật.
~~~
Tôi nhìn thấy người ta chết đi mỗi ngày. Tôi nhìn thấy người ta chết đi trong rất nhiều ngày. Tôi sẽ chết, phải rồi... Đáng lẽ đây sẽ là một câu chuyện buồn. Nhưng vấn đề là ai lại không chứ?

Cái chết. Một trong hai nỗi ám ảnh lớn nhất của con người. Sự thật thì không một ai sợ hãi cái chết. Chúng ta chỉ e ngại vì không biết sẽ có gì xảy ra sau đó. Đó là con đường một chiều. Đó là cánh cửa không thể nào quay trở lại. Vì không biết, nên chúng ta sợ. Vì sợ chết, chúng ta sợ luôn cả những gì không thoải mái, đầu tiên là tuổi già, sau đó là bệnh tật, tiếp đến nữa là tất tần tật những điều kiện có thể khiến sự sống thoát ly khỏi cơ thể này. Vì sợ những gì không thoải mái, chúng ta phải xây nên những bức tường, mặc thêm những bộ áo giáp, liên tục phá hủy mọi thứ, chỉ để tích lũy cho riêng mình. Từ sự tích lũy, khi mọi thứ đã đủ đầy, chúng ta bắt đầu hình thành nên ham muốn, bởi mắt thấy, tai nghe, đôi tay này đụng chạm. Từ sự ham muốn dẫn đến sự thích, và từ sự thích hình thành nên tính định danh, với những vai trò, với những biên giới. Đây là của tôi, đây là của bạn. Và đây là tôi, đây là bạn. Sự hòa hợp bị phá bỏ. Nhân loại như đứa trẻ bơ vơ giữa dòng đời.

Tri thức giúp con người phát triển tốt hơn, thu nhặt nhiều hơn, để hình thành nên giai cấp. Tri thức đối với con người cũng như những bài kiểm tra đối với một lớp học. Càng làm nhiều, càng có kinh nghiệm nhiều, càng có khả năng đạt điểm tốt. Những bài kiểm tra cũng giống như những kiếp sống của con người, được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong vòng xoáy samsara. Thế nhưng, chỉ có nhận thức mới có thể giúp con người chuyển hóa tốt hơn. Đủ là được, hãy bước tiếp, hãy nhìn xem chúng ta đang bỏ lỡ điều gì. Đừng quay lại, chỉ để có điểm tốt hơn trong những bài kiểm tra cũ. Hãy chuyển hóa. Hãy tốt nghiệp.

Pratyahara có nghĩa là hướng vào bên trong. Đây là cánh cửa ngỏ chuyển hướng cuộc hành trình. Sau bước này, những ham muốn đã mỏng dần. Các giác quan đã được thu vào, không còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, để lần đầu tìm kiếm những rung động bên trong, hay còn gọi là những giá trị tự nhiên thiết yếu. Để thoát khỏi phiền não, hướng đến sự thật, điều đầu tiên là hãy thoát khỏi phiền não.

Dharana có nghĩa là gắn chặt tâm trí vào một đối tượng. Đây là một thế giới mới, khi trạng thái thăng hoa đạt đỉnh ngày một xuất hiện nhiều hơn. Từ các trạng thái không kích hoạt, hỗn loạn, mâu thuẫn, thì vào lúc này, tâm trí đã bước vào giai đoạn tập trung. Không còn bị ảnh hưởng từ bên ngoài, không còn bị rối loạn ở bên trong, không còn thói quen, không còn vô thức, người thực hành có khả năng duy trì trạng thái nhận thức trong tất cả mọi hoạt động. Anh không buồn khi nhớ về quá khứ, anh không rầu khi nghĩ về tương lai, sự tập trung đã mang anh đến trong hiện tại. Tính định danh ngày một mỏng dần trong nhận thức. 

Không có mưu cầu, không có mong muốn. Không có mong muốn, không có tương lai. 
Không còn hạt mầm, không còn bản ngã. Không còn bản ngã, không còn quá khứ.
Tất cả chỉ hiện diện trong hiện tại. Không có gì phải làm, cũng không có gì muốn làm. Hãy cứ để mọi thứ nhẹ nhàng trôi theo cuộc sống.

Người Yogi vẫn ngồi. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Một vài người bắt đầu tò mò. Buổi sáng họ đi qua, người Yogi vẫn ngồi. Buổi tối họ đi về, người Yogi vẫn ngồi. Chắc hẳn phải có một điều gì đó sắp sửa xuất hiện. Một vài người tiến đến và ngồi xuống, kéo theo nhiều người cũng tiến đến và ngồi xuống. Đám đông mỗi lúc một lớn dần. Họ nhìn thấy vầng hào quang. Họ biết đây là một người rất đặc biệt.
Họ chờ đợi một bài giảng. Họ chờ đợi một phép màu. Nhưng không. Vẫn không có gì xảy ra cả. Người Yogi vẫn ngồi đó và nhắm mắt. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, trong nhiều năm.
​

Mọi người bắt đầu mệt mỏi. Buổi sáng họ ngồi đó, người Yogi vẫn ngồi. Buổi tối họ ngồi đó, người Yogi vẫn ngồi. Không một lời nói. Không một âm thanh. Cũng chẳng có một ánh nhìn. 
“Hãy chờ đợi.” Một ai đó thầm thì. “Chắc hẳn phải có một điều gì đó sắp sửa xuất hiện.” 
Nhưng không. Vẫn không có gì xảy ra cả. Người Yogi vẫn nhắm mặt và không nói một lời nào.
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Một vài người đứng dậy rời đi, kéo theo đó nhiều người đứng dậy rời đi. Đám đông mỗi lúc một vơi dần.
Người Yogi vẫn ngồi.
Picture
Tất cả đều bắt đầu chỉ từ một hạt mầm. Người Yogi không biết lý do tại sao. Người Yogi không biết diễn tả như thế nào. Nhưng chắc chắn có điều gì đó không ổn đang diễn ra với thế giới. Tại sao con người được sinh ra? Tại sao con người phải chết đi? Và nếu vậy, những tháng nằm tồn tại trong cuộc sống thì có ý nghĩa gì, khi rồi đây, tất cả sẽ biến mất. 

Con người không thích quá nhiều thứ, từ thiên nhiên cho đến thú dữ, từ thời tiết cho đến môi trường. Con người không thích các động vật khác. Con người không thích lẫn nhau. Và rồi, con người cũng thích quá nhiều thứ, những cái họ không có được, những cái họ đánh mất, và kể cả những cái không thuộc về mình. Con người khoác lên trên người quá nhiều tên gọi, với quá nhiều vai trò, nhưng sự thật, chẳng một ai hiểu rõ chính bản thân mình.

Con người không biết họ từ đâu đến, không biết họ sẽ đi đâu, và không biết chuyện gì đang xảy ra ở giữa. Người Yogi không biết. Nhưng thật lòng, anh rất muốn được biết. 
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, trong rất nhiều năm, và trong rất nhiều kiếp. Người Yogi đã là tất cả. Anh đã biến thành sinh vật nhanh nhất. Nhưng vẫn không thể nào chạy thoát khỏi phiền não. Anh đã hóa thành sự vật vững vàng nhất. Nhưng vẫn không thể nào chống chọi lại phiền não. Anh đã đi rất nhiều nơi. Anh đã trở thành rất nhiều điều. Anh đã trở thành tất cả mọi thứ, trong cả một thời gian dài... Những cây cầu có thể giúp anh nhìn thấy những vùng đất mới. Những bánh xe có thể giúp anh trải nghiệm những cung đường mới. Thế nhưng, dường như sự thật vẫn ở một nơi nào đó, trong những thoáng nhìn.

Trong khoảnh khắc, người Yogi giật mình. Vốn dĩ, câu trả lời chưa bao giờ nằm ở bên ngoài. Anh ngồi xuống, nhắm mắt, và bắt đầu thực hiện chuyến hành trình trở vào bên trong. Đầu tiên là hơi thở, là giác quan; sau đó là sự tập trung, là thiền định. Người Yogi vẫn ngồi, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Những rung động của cơ thể mỏng dần, người Yogi biến mất. Chỉ còn một dòng chảy liên tục không ngắt quãng của nhận thức.

Người Yogi mỉm cười. Anh không thể tìm thấy câu trả lời. 
Bởi lúc này đây, anh cần phải trở thành câu trả lời. 
~~~

Nhà khoa học đi tìm kínhCó một nhà khoa học đi tìm kính. Thật ra, nên nói chính xác là có một nhà khoa học đi tìm lại kính. Bởi vốn dĩ, ông đã mua cái kính đó, đã biết cách sử dụng, đã sử dụng nhưng hôm nay không may bị thất lạc. Bước đầu tiên, ông dùng các giác quan để tìm chiếc kính. Mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi. Thế nhưng, ông không thể nào tìm thấy. Sau một hồi qua sát, ông ngồi xuống, dùng trí nhớ để ngẫm nghĩ lại những sự kiện đã xảy ra, với hy vọng có được một manh mối về chiếc kính. Nương theo dòng suy luận, bước thứ hai, ông tìm thấy một vài dấu vết. Lúc nãy, ông đọc sách, rõ ràng là có kính. Vậy chiếc kính hẳn là phải có trong căn phòng. Ông nhìn quanh, đây là chiếc khăn, đây là hộp kính, nhiều dấu vết hơn, nhưng cuối cùng là vẫn chưa có kính.

Đến bước thứ ba, nhà khoa học cảm nhận. Từ nãy đến giờ mình đã tìm kiếm ở rất nhiều nơi, thế nhưng vẫn chưa thể nào tìm thấy kính. Rõ ràng có điều gì đó không ổn. Nhà khoa học tự hỏi. Tại sao mình có thể nhìn thấy mọi thứ nãy giờ mà không có kính? 

Chỉ có hai trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, mình không bị cận. Nhưng nếu vậy, tại sao mình lại nhớ là mình có kính? Còn chiếc khăn và chiếc hộp kính này, phải giải thích làm sao? Trường hợp thứ nhất bị loại trừ. Vậy chỉ còn trường hợp thứ hai, chiếc kính đang nằm trước mắt mình suốt từ nãy đến giờ. Nhà khoa học cười ồ. Và nhớ đó, bước thứ tư, ông đã tìm thấy kính. Vốn dĩ, nó đã ở đó ngay từ đầu.

Bước thứ năm, ôi chao, nhà khoa học mừng rỡ. Mọi thứ trước mắt thật rõ ràng. Ông tự hứa với lòng sẽ không bao giờ bỏ kính ra nữa. Và như vậy, ông đỡ phải quên. Và như vậy, ông đỡ phải đi tìm. Mọi chuyện có vẻ ổn thỏa, nhờ quyết định này. Ông bắt đầu tận hưởng mọi thứ, trong suốt một ngày dài. Đến khi trời tối, nhà khoa học quyết định nghỉ ngơi. Trong khi chuẩn bị bước lên lên giường, ông nhận thấy rằng nếu đeo kính thì quả thật rất bất tiện. Bước thứ sáu, để có thể tận hưởng một giấc ngủ ngọt ngào, nhà khoa học buộc lòng phải cởi bỏ chiếc kính.

Bước thứ bảy, nằm xuống thật dễ chịu. Nhà khoa học không còn nhớ chiếc kính đã từng giúp mình nhìn rõ mọi thứ. Nhà khoa học không còn nhớ những cảm giác hớn hở vui mừng. Khi bước vào giấc ngủ, ông quên chiếc kính, và ông cũng quên đi bản thân mình.

Bước thứ tám, khi đã chìm sâu vào giấc ngủ. Bước thứ chín, không còn gì ở đó cả, không có cả sự quên. Bước thứ mười, nhà khoa học thức dậy. Một ngày mới lại bắt đầu. Ông lại sống trong cuộc đời.
~~~
Hư không. 
Tất cả đều bắt đầu chỉ từ một hạt mầm. Người Yogi không biết lý do tại sao. Người Yogi không biết diễn tả như thế nào. Những người Yogi biết chắc chắn có điều gì đó không ổn đang diễn ra với thế giới. Nếu không có hạt mầm của không biết, sẽ không có bất kì điều gì được tìm thấy. Nhờ không biết, người Yogi mới đi tìm. Nhờ đi tìm, người Yogi mới có thể biết là vẫn còn có rất nhiều điều mình không biết.

Đây không phải một chuyến hành trình để thêm vào. Đây là một chuyến hành trình để bỏ bớt. Cũng giống như một bức tượng Phật vốn dĩ đã có sẵn trong tảng đá, người nghệ nhận không cần phải thêm vào đó bất kì một yếu tố nào. Ngược lại, anh cần phải bỏ bớt tất cả những phần không cần thiết, cho đến khi toàn bộ bức tượng được tỏ mình. Thế nhưng, người nghệ nhân cần nhận thức được rằng Đức Phật không tồn tại bên trong bức tượng. Nếu chỉ nhìn ngắm bức tượng, anh cũng chỉ nhìn thấy một tảng đá được chế tác. Phút cuối cùng, để có thể thật sự nhìn thấy Đức Phật, ngay cả bức tượng cũng cần được loại bỏ.
~~~
Người Yogi vẫn ngồi. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Vẫn không có gì xảy ra cả. Người Yogi vẫn cứ ngồi. Hầu hết mọi người đều đã bỏ đi. Nhưng vẫn còn đó một vài người nán lại. Mọi thứ đã đủ đầy. Những người này đã mang trong mình những hạt mầm mới của hư không.
Và bạn biết đấy, tất cả đều bắt đầu chỉ từ một hạt mầm. 
~~~
Mọi sự đã hoàn thành. Trong quá trình tìm kiếm sự thật, người Yogi nhận thức được Thượng Đế. Trong quá trình tìm kiếm Thượng Đế, người Yogi nhận thức được bản thân mình. Anh đã cố trở thành mọi thứ, nhưng dường như câu trả lời vẫn còn nằm ở một nơi nào đó, rất xa vời. Và như thế, chỉ còn một giải pháp, người Yogi phải ngồi xuống và trở thành bản thân mình.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, không một ai rõ chuyến hành trình vào bên trong diễn ra thế nào. Một vài người bắt đầu tò mò. Buổi sáng họ đi qua, người Yogi vẫn ngồi. Buổi tối họ đi về, người Yogi vẫn ngồi. Chắc hẳn phải có một điều gì đó sắp sửa xuất hiện. Một vài người tiến đến và ngồi xuống, kéo theo nhiều người cũng tiến đến và ngồi xuống. Đám đông mỗi lúc một lớn dần. Họ nhìn thấy vầng hào quang. Họ biết đây là một người rất đặc biệt.

Họ chờ đợi một bài giảng. Họ chờ đợi một phép màu. Nhưng không. Vẫn không có gì xảy ra cả. Người Yogi vẫn ngồi đó và nhắm mắt. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, trong nhiều năm.
Mọi người bắt đầu mệt mỏi. Buổi sáng họ ngồi đó, người Yogi vẫn ngồi. Buổi tối họ ngồi đó, người Yogi vẫn ngồi. Không một lời nói. Không một âm thanh. Cũng chẳng có một ánh nhìn. 

“Hãy chờ đợi.” Một ai đó thầm thì. “Chắc hẳn phải có một điều gì đó sắp sửa xuất hiện.” 
Nhưng không. Vẫn không có gì xảy ra cả. 
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Một vài người đứng dậy rời đi, kéo theo đó nhiều người đứng dậy rời đi. Đám đông mỗi lúc một vơi dần.
Người Yogi vẫn ngồi.
Hầu hết mọi người đều đã bỏ đi. Nhưng vẫn còn đó một vài người nán lại. Mọi thứ đã đủ đầy. Những người này đã mang trong mình những hạt mầm mới của hư không.
Và bạn biết đấy, tất cả đều bắt đầu chỉ từ một hạt mầm. 

Người Yogi mở mắt. Anh mỉm cười với một số ít người còn sót lại. Họ cũng mở mắt, mỉm cười với anh. Không có bất kì một lời nói nào. Vầng hào quang biến mất. Người Yogi đứng dậy. Anh từng bước nhẹ nhàng, tiến về hướng khu chợ. Âm thanh ồn ã, náo nhiệt cả một góc trời.
Một đám trẻ nhỏ đang đùa vui. Chúng chạy đuổi theo một quả banh, không quan tâm bất kì điều gì đang ở cạnh. Bỗng một đứa bé dừng lại. Nó quay người, nhìn về phía người Yogi và mỉm cười.

Người Yogi cũng mỉm cười đáp lại. 
Đứa bé tiếp tục đuổi theo đám bạn mình.
Vui ghê...
0 Comments



Leave a Reply.

    Picture

    Categories

    All
    Asana
    Ashtanga
    Đường đến Yoga
    Hít Thở
    Luyện Tập
    Người Hướng Dẫn
    Pranayama
    Thiền

    RSS Feed

Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • Home
    • Lớp cộng đồng
  • About
  • Books
  • Blogs