Con đường Yoga
  • Home
    • Lớp cộng đồng
  • About
  • Books
  • Blogs

Pranayama - Nhánh thứ tư Ashtanga

7/4/2021

0 Comments

 
Picture
“Sau khi Asana được thuần thục (người thực hành có thể ngồi xuống cân bằng thoải mái), Pranayama là quá trình làm thinh lặng chuyển động của hơi thở.”
(Yoga Sutras - Sadhana Pada - Câu 49)

Nếu như Asana thường được hiểu với ý nghĩa phổ biến là động tác hay tư thế, thì Pranayama cũng thường được hiểu với ý nghĩa là các bài luyện tập hít thở. Ví dụ như hơi thở bụng, hơi thở kapalbhati, hơi thở toàn phần, hơi thở luân phiên, hay hơi thở ống bễ. Tuy nhiên, với vai trò là bước thứ tư trong 8 nhánh Ashtanga, Pranayama tập trung nhiều hơn vào sự kiểm soát, mở kéo dài, và làm thinh lặng chuyển động của hơi thở.
​Như bạn có thể thấy, theo định nghĩa, khi nói đến pranayama, chúng ta nói đến 3 giai đoạn khác nhau.

1. Kiểm soát: Bạn có chắc mình đang hít thở? Bạn có chắc mình đang hít thở đúng? Bạn có hụt hơi khi chơi thể thao? Bạn có hụt hơi khi đang làm việc? Liệu bạn có đang kiểm soát được hơi thở, hay bạn đang để hơi thở kiểm soát mình?
2. Mở rộng: Trong một phút, bạn đã sử dụng bao nhiêu hơi thở? Năm? Mười? Mười lăm hay hai mươi? Liệu việc mở rộng hơi thở có tác động thế nào đến tinh thần, đến sức khỏe, cũng như các trạng thái mà bạn đang mong muốn được trải nghiệm.
3. Làm thinh lặng: Hít vào và thở ra. Cuộc sống là những gì xảy ra ở khoảng giữa. 

Đầu tiên, hít thở là một quá trình gồm 4 bước, lần lượt là:
1/ Puraka: hít vào
2/ Antara Kumbhaka: giữ hơi sau khi hít vào 
3/ Rechaka: thở ra
4/ Bhaya Kumbhaka: giữ hơi sau khi thở ra

Lưu ý, Pranayama không phải hít thở sâu. Mặc dù trong rất nhiều bài thực hành, bạn được hướng dẫn là hãy hít sâu và thở chậm, để cảm nhận luồng không khí luân chuyển giữa bên trong và bên ngoài, thế nhưng đó không phải là pranayama. Đó được xem là một giai đoạn chuẩn bị, để giúp bạn gia tăng kiểm soát hơi thở, gần hơn với bước thanh tẩy (saucha) và thuộc về kriya. Một khi nói về pranayama, nghĩa là chúng ta ta đang nói về giai đoạn giữ hơi, làm thinh lặng sự chuyển động của hơi thở. Bằng cách này, hơi thở của người thực hành sẽ ngày một kéo dài. Điều đó cũng có nghĩa là số nhịp thở trong một phút sẽ ngày một thu ngắn lại.

Trong điều kiện bình thường, một người trưởng thành hít thở từ 16 đến 20 lần một phút.  Trong điều kiện bình thường, một người thực hành Yoga hít thở từ 12 đến 14 lần một phút. Trong khi thực hành pranayama, người thực hành giảm xuống chỉ còn hít thở từ 1 đến 2 lần một phút. Với một quá trình kiên định thực hành, không vội vã, trong nhận thức, một hơi thở của người Yogi có thể kéo dài khoảng 3 phút. Điều đó có nghĩa là trong 1 giờ đồng hồ, họ chỉ hít thở khoảng 20 lần, tương đương với số nhịp thở của một người bình thường trong 1 phút.


Read More
0 Comments

Đường đến Yoga, đường trở về nhà - Hít thở (3/3)

4/4/2021

0 Comments

 
Picture
D/ Prana và Yoga
​
Khi nói đến Yoga, chúng ta sẽ nói rất nhiều đến hơi thở. Bởi như bạn đã biết, hít thở là một hoạt động vô cùng quan trọng đối với sinh mệnh con người. Có rất nhiều cách hít thở khác nhau phục vụ cho những mục tiêu khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu qua một vài hơi thở trong pranayama:
​

CÁC KỸ THUẬT PRANAYAMA
Các bài tập pranayama được bắt đầu bằng một hơi thở ra hoàn toàn, bằng cách đẩy nhẹ bụng sát vào cột sống, để tống hoàn toàn thán khí ra khỏi cơ thể.

Các kỹ thuật Pranayama cấp độ cơ bản với mục tiêu gia tăng cảm nhận, có thể thực hiện cùng khi tập các động tác Yoga:
  • Hơi thở cơ bản: Hít sâu và thở chậm. Bụng phình lên khi hít vào, xẹp xuống khi thở ra.
  • Cảm nhận hơi thở ra: hơi thở kapalbhati. Hít sâu bằng mũi, bụng phình lên. Sau đó dùng cơ bụng, hóp mạnh bụng để tống hơi ra ngoài. Người thực hành chỉ tập trung vào việc đẩy hơi ra, khi đó hơi hít vào là tự nhiên thụ động.
  • Cảm nhận hơi hít vào: hơi thở toàn diện. Hít sâu, bụng phình lên, tiếp tục hít sâu, ngực phình lên, tiếp tục hít sâu, vai nâng nhẹ. Thở ra chậm rãi, cảm nhận hơi thở nhẹ nhàng không tiếng động được đẩy qua cánh mũi. Có thể hơi siết nhẹ bụng trong khi đẩy hơi ra để cảm nhận.
  • Kết hợp hơi thở và chuyển động: hơi thở Ujjayi. Hít sâu bằng mũi, khi thở ra khép nhẹ cuống họng, khép nhẹ miệng, đẩy hơi ra lỗ mũi để tạo ra âm thanh. Một cách tự nhiên, bụng sẽ hơi xiết lại. Trong những lần đầu, nếu không nghe được tiếng khi thở ra là bình thường. Cứ luyện tập, khi hơi thở dày hơn và khả năng kiểm soát hơi tốt hơn, sẽ có tiếng.
  • Kết hợp hơi thở và thư giãn. Thường được thực hiện khi nghỉ ngơi hoặc tư thế savasana. Gần giống với hơi thở toàn diện, nhưng không gắng sức.
  • Hơi thở luân phiên: Dùng ngón cái tay phải che lỗ mũi phải, hít vào bằng lỗ mũi trái. Sau đó, dùng ngón giữa và áp út tay phải che lỗ mũi trái, thở ra bằng mũi phải. Tiếp tục hít vào bằng lỗ mũi phải. Sau đó, dùng ngón cái tay phải che lỗ mũi phải, thở ra bằng lỗ mũi trái. Tiếp tục như vậy. Khi nâng cao, bạn có thể kiểm soát hơi hít vào và thở ra bằng lỗ mũi, không cần dùng tay hỗ trợ. Hơi thở luân phiên thường được thực hiện trong các tư thế ngồi thư giãn.

Read More
0 Comments

Đường đến Yoga, đường trở về nhà - Hít thở (2/3)

4/2/2021

0 Comments

 
Chào mừng bạn đến với Pranayama
A/ Định nghĩa

Pranayama là một từ tiếng Phạn. Trong đó:
Pra: Thượng Đế, Vũ trụ
Prana: nguồn năng lượng tinh túy đến từ Thượng Đế, Vũ trụ
Yama: sự kiểm soát, giữ hơi
Ayama: sự mở rộng, phát triển

Pranayama là quá trình kiểm soát và mở rộng hơi thở, từ đó nguồn năng lượng tinh túy của vũ trụ có thể được hấp thụ. Theo Yoga, khi chúng ta hít thở, không chỉ có khí oxy được hấp thụ, mà cùng với đó còn có một dạng năng lượng tinh túy hơn, được gọi là prana. 

B/ Prana trong tự nhiên
Ở bên ngoài môi trường, có bốn khu vực đặc trưng cho các nguồn prana có thể kế đến như:
  1. Khu vực bãi biển: đây là khu vực có nguồn prana sinh lực dồi dào, tốt cho sức khỏe thể chất, giúp con người trở nên năng động, hăng hái. Đó cũng là lý do tại sao những người sinh sống và làm việc ở vùng biển thường có sức khỏe tốt hơn so với người ở thành phố. Nếu có điều kiện, mỗi tháng một lần, bạn hãy cùng gia đình và bạn bè đến du lịch tại các vùng biển. Một kì nghỉ tại vùng biển sẽ rất có ích để bạn nạp lại nguồn prana tốt cho cơ thể. 
  2. Khu vực đồi núi, rừng cây là kim: đây là khu vực có nguồn prana thiền định dồi dào, tốt cho sức khỏe tinh thần, giúp con người trở nên bình yên nhẹ nhàng. Đó cũng là lý do tại sao các thiền viện thường được xây dựng ở các vị trí này.
  3. Khu vực đồng bằng, thảo nguyên, rừng cây lá rậm hoặc hỗn hợp: có ít prana hơn hai khu vực trên, và vẫn rất tốt cho sức khỏe của con người.
  4. Khu vực thành thị, bến xe, bệnh viện, nhà máy, các khu vực rác thải, có hóa chất độc hại: đây là các khu vực có lượng prana rất ít, không tốt cho sức khỏe.
Lưu ý, trong cùng một khu vực, vẫn có các tiểu vùng prana khác nhau. Ví dụ ở khu vực bãi biển, thì vùng ven biển sẽ có prana tốt hơn so với trong phòng khách sạn. Tương tự, với khu vực thành phố, thì vùng công viên có nhiều cây xanh sẽ có prana tốt hơn so với nhà máy, khu công nghiệp.

Read More
0 Comments

Đường đến Yoga, đường trở về nhà - Hít thở (1/3)

3/31/2021

0 Comments

 
“Hãy lựa chọn một tư thế ngồi phù hợp. Đối với người mới, bạn có thể ngồi xếp bằng. Nếu thoải mái, bạn có thể ngồi tư thế bán hoa sen, một chân để trên đùi còn lại. Đừng lo lắng, nếu mỏi, bạn có thể đổi chân bất kì lúc nào. Đối với những người có kinh nghiệm, bạn có thể ngồi tư thế hoa sen. 
Hai bàn tay đặt nhẹ trên gối. Lòng bàn tay hướng lên trần nhà. Hãy giữ cho lưng thẳng bằng cách nâng nhẹ ngực, mở vai về phía sau. Hai mắt nhắm nhẹ, cằm hướng về phía ngực. Chúng ta bắt đầu hít thở.”

​Một người bình thường có thể nhịn ăn trong ba mươi ngày. Một người bình thường có thể nhịn uống trong ba ngày. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể nhịn thở quá ba phút. Có lẽ chỉ bấy nhiêu thôi là cũng đủ để chúng ta hiểu được tầm quan trọng của hơi thở. Chúng ta dành rất nhiều thời gian để chế biến, để nấu nướng, để trả lời cho câu hỏi hôm nay ăn gì. Phở bò, cơm tấm, pizza hay bún đậu? Chúng ta dành rất nhiều công sức để nghiên cứu, để pha chế, để trả lời cho câu hỏi hôm nay uống gì? Trà sữa, cà phê, nước trái cây hay nước tăng lực? 

Thế nhưng, nếu hít thở là một trong những hoạt động tối quan trọng của con người, liệu chúng ta đã dành bao nhiêu nguồn lực để tìm hiểu về nó? 
Chúng ta sẽ dành cả cuốn sách này để nói về bạn, về cuộc sống, về yoga, về những gì xảy ra trong khoảng giữa của nhắm mắt và mở mắt. Và để thực hiện được mục tiêu đó, trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về nguồn nguyên liệu đầu vào đã kiến tạo nên tất cả. 
Và đó chính là hơi thở. 

Câu hỏi đầu tiên, bạn có chắc mình đang hít thở?
Oh… Có phải bạn vừa mới giật mình? Từ nãy đến giờ bạn đâu có chú ý đến hơi thở. Vậy mà bạn vẫn sống, vẫn đọc sách, vẫn xem phim, và nghe nhạc. Trong vô thức bạn vẫn luôn hít thở, một cách rất tự nhiên và nhẹ nhàng. Mọi chuyện vẫn ổn, cho đến một vài giây trước, khi tôi vô tình hỏi về hơi thở. 
Vào lúc này đây, liệu bạn có cảm thấy đôi chút khó chịu vì phải chủ động hít thở? 
Xin lỗi vì sự bất tiện này. Hãy cứ tiếp tục hít thở và đọc tiếp những con chữ.

Câu hỏi tiếp theo, liệu bạn có chắc mình đang hít thở đúng?
Hãy cùng nhau trải nghiệm.

Read More
0 Comments
    Picture

    Categories

    All
    Asana
    Ashtanga
    Đường đến Yoga
    Hít Thở
    Luyện Tập
    Người Hướng Dẫn
    Pranayama
    Thiền

    RSS Feed

Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • Home
    • Lớp cộng đồng
  • About
  • Books
  • Blogs