Con đường Yoga
  • Home
    • Lớp cộng đồng
  • About
  • Books
  • Blogs

Có thể kết hợp Yoga cùng với các bộ môn khác như Gym, Dance được không?

7/20/2021

0 Comments

 
Picture
Câu hỏi: Em thích tập Yoga. Nhưng có thể kết hợp tập Yoga cùng với các bộ môn khác như Gym, Dance được không?

Trả lời: Được. Không những thế, bạn còn có thể kết hợp tập Yoga cùng rất nhiều bộ môn khác như Aerobic (hiếu khí), Anaerobic (kỵ khí), Crossfit, Pilates, Kickbox, Aikido, Muay Thái, chạy bộ, bơi lội bóng đá, bóng rổ, cầu lông, viết lách, vẽ tranh, làm gốm, sáng tác nhạc, chơi cờ vây, chơi guitar, tranh biện, thuyết trình, hoạch định dự án… Bởi đơn giản, cho dù mang ý nghĩa nào, thì Yoga cũng không hề mâu thuẫn với bất kỳ hoạt động nào bạn có thể nghĩ đến.
  • Nếu Yoga được hiểu là những bài tập Asana, thì việc kết hợp Asana với Gym, Dance, hay các hoạt động thể chất khác sẽ có tác dụng bổ trợ, rèn luyện tất cả các nhóm cơ, với sự đa dạng trong cường độ và bài tập.
  • Nếu Yoga được hiểu là khả năng cảm nhận, hòa hợp, giúp điều tâm, điều thân, điều khí thì việc kết hợp sẽ giúp bạn thực hiện các hoạt động khác một cách hiệu quả hơn. Bạn biết cách kiểm soát hơi thở, biết cách kiểm soát cơ thể, biết cách gia tăng hiệu quả trong việc rèn luyện các môn thể thao.
  •  Nếu Yoga được hiểu là một quá trình làm thinh lặng sự lạc lối của ý thức cá nhân, bằng việc kết hợp, việc thực hành này sẽ giúp bạn trải nghiệm cuộc sống bên ngoài tấm thảm.

Một lần nữa, Yoga là hòa hợp. Yoga không là mâu thuẫn. Nên bạn có thể tự do thoải mái tập luyện Yoga cùng với bất kì một bộ môn nào mà mình thích.
Hãy cẩn thận nếu như ai đó trói buộc bạn với Yoga, với những quy luật, định kiến, phải làm theo cách này mới đúng, còn làm theo cách khác là sai, chỉ có tập theo kiểu này mới chính xác, còn tập theo kiểu khác thì không. Yoga khuyến khích bạn mở lòng, gia tăng trải nghiệm với bất kỳ rung động nào bạn cảm thấy thú vị. Hãy hiểu rằng, cuộc sống lớn hơn rất nhiều so với bất kì một nguyên tắc hay trường phái. Và Yoga không là gì khác ngoài cuộc sống.​
Picture
Bạn thích tập Yoga, đó là một điều tốt. Bạn thích tập Gym, tập Dance, hay bất kì một bộ môn rèn luyện nào cũng là một điều tốt. Nó tốt hơn rất nhiều so với việc bạn chỉ đơn thuần là một khán giả, đứng bên ngoài và nhận xét. Làm khán giả thì đơn giản. Bạn không phải tốn mồ hôi, bạn không phải tốn công sức. Bạn chỉ việc ngồi trên ghế, với bắp rang bơ, tận hưởng một quá trình. Thật dễ khi để lại một vài nhận xét, một vài đánh giá, với đôi ba câu bình luận. Nhưng, bạn biết đấy, một khán giả thì không thể nào cảm nhận được vẻ đẹp của luyện tập. 

Không phải ngẫu nhiên mà bạn thích một bộ môn nào đó. Nó có nguyên do, nó là rung động. Bạn không thể bắt một người thích tập Gym chuyển qua tập Ballet và ngược lại. Hoặc nếu có, thì hoạt động đó cũng sẽ diễn ra một cách miễn cưỡng, không hiệu quả. Bạn chỉ có thể đi sâu một bộ môn rèn luyện, khi và chỉ khi, bạn có một niềm đam mê hứng thú. Đó là điều kiện đầu tiên, cũng là điều kiện quan trọng nhất.

Trước hết, một bộ môn rèn luyện thường gắn liền với một sở thích. 
Nó mang đến một thoáng nhìn của tự do. Bởi trong một khoảnh khắc, bạn được là chính mình, không còn phải tuân theo bất kì một quy luật hay định kiến của người khác. Không phải ai trong chúng ta cũng may mắn có được một công việc mình yêu thích, nhưng chắc chắn ai trong chúng ta cũng có cơ hội được lựa chọn tập luyện một bộ môn mình yêu thích.
Một thoáng nhìn về tự do là điều rất quan trọng. Bởi vì nó sẽ giúp bạn gia tăng trải nghiệm, hướng vào bên trong, để có thể thỏa sức sáng tạo về sau.
Picture
Tiếp theo, bên cạnh sở thích, thuộc về cảm xúc - một điều mà chúng ta rất khó để lý giải bằng lời nói - hãy tìm hiểu tại sao chúng ta lại lựa chọn một bộ môn này, không phải một bộ môn khác, bằng lý trí - một điều giúp chúng có thể hiểu rõ hơn về bản thân.
​

Việc gắn kết với một hoạt động phụ thuộc rất nhiều vào một nhu cầu, trong thời điểm hiện tại. Lưu ý rằng, mỗi một giai đoạn khác nhau, mỗi người sẽ có những nhu cầu khác nhau cần được thỏa mãn. Vì lẽ đó, các hoạt động tập luyện có thể thay đổi để đáp ứng các nhu cầu này.
Có 5 nhu cầu cơ bản của con người: 
(1) thể chất - bao gồm thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, hít thở, nghỉ ngơi. 
(2) an toàn - cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản
(3) tình cảm - muốn được thuộc về một nhóm cộng đồng, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy.
(4) quý trọng - cần có cảm giác được tôn trọng, kính mến, được tin tưởng.
(5) tự thể hiện bản thân - muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt.
​
​
Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta lựa chọn một bộ môn để rèn luyện. Chúng ta luôn có một kỳ vọng, dù trong vô thức hay nhận thức, là kết quả của việc luyện tập sẽ giải quyết được một nhu cầu. Có thể đó là nhu cầu thể chất, việc tập luyện sẽ giúp bạn giảm cân, giảm mỡ, có sức khỏe, dẻo dai hơn, xinh đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Có thể đó là nhu cầu an toàn, việc tập luyện sẽ giúp bạn cảm thấy mạnh khỏe, có khả năng tự vệ, có khả năng đối phó với các tình huống. Tương tự như vậy, việc tập luyện cũng có thể giúp bạn được thuộc về một nhóm, được yêu quý, được thể hiện bản thân…

Đôi khi, kết quả sẽ đạt được như kỳ vọng. Đôi khi không. Điều này giúp bạn nhận thức được rằng, ngay cả đối với một hoạt động bạn được tự do lựa chọn, phù hợp với sở thích, thì rất có thể kết quả cũng sẽ không như ý. 

Tại sao lại như vậy?
Bởi vì bạn có kỳ vọng. Bạn đã quên đi mất niềm đam mê lúc đầu. Bởi vì bạn đã có sự so sánh, với người khác, với bạn tập cùng, với chính bản thân mình trong những thời điểm. Bởi vì bạn không biết, bởi vì bạn vội vã, bởi vì bạn đã gặp chấn thương… Có vô vàn những lý do để bạn cảm thấy không thỏa mãn, dẫu cho đó là một hoạt động bạn yêu thích. Và như vậy, quay trở lại công việc, với những điều có thể vốn dĩ bạn không thích thì sao? Việc chán chường, mệt mỏi, bất như ý là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Picture
Nếu không nhận thức được điều này, thì cho dù bạn có tập luyện bộ môn nào cũng rất khó để có thể đào sâu nghiên cứu. Khoảnh khắc hào hứng lúc đầu ngay lập tức sẽ bị thay thế bằng những khoảnh khắc buồn chán mỏi mệt, sau chỉ chừng ba buổi luyện tập.

Bạn tập rất nhiều môn, nhưng môn nào cũng chỉ biết chút chút.

Bạn là khán giả, bạn chỉ ngồi trên ghế sofa, bạn đứng ở bên ngoài.
Bạn là khách du lịch, bạn chỉ đến để chụp hình, bạn chỉ đến để check-in, bạn không thật sự biết rõ.
​

Đó là lý do tại sao Yoga xuất hiện.
Bạn được hướng dẫn từng bước một, làm chậm rãi, theo sức của mình. Bạn không cần đi quá nhanh, và không nhất thiết phải như vậy. Người càng hào hứng lúc đầu, sẽ càng buồn chán lúc sau. Bạn cần sự điềm nhiên, bạn cần một kỉ luật. Bạn cần lắng nghe hơi thở của mình, bạn cần gia tăng trải nghiệm. Đó là lý do tại sao Yoga nên được tiếp cận một cách thong dong và dễ chịu.

Hiểu được điều này, bạn có thể đem một tâm trí bình thản bước vào những hoạt động khác. Bạn sẽ cảm nhận được sự vui thích lúc đầu. Bạn sẽ nhận thấy những khó khăn trên đường là điều cần thiết. Bạn cảm nhận các nhóm cơ rõ hơn khi tập gym, bạn cảm nhận được luồng khí khi tập dance, và cảm nhận được rất nhiều rung động khác nhau ở từng bộ môn khác nhau.
​

Bạn hiểu được mình, bạn hiểu được hoạt động, bạn hiểu được đồng đội, bạn hiểu được đối thủ, và rồi, một cách rất tự nhiên, sự hòa hợp sẽ đến.
Đó là Yoga. Bạn không nhất thiết phải bước lên tấm thảm để tập Yoga. Thay vào đó, hãy đem Yoga đến tất cả bộ môn, hoạt động mà bạn có cơ hội tham dự. Và rồi, bạn sẽ cảm nhận được Yoga là tất cả những gì đang xảy ra trong cuộc sống. 
0 Comments



Leave a Reply.

    Picture

    Categories

    All
    Asana
    Ashtanga
    Đường đến Yoga
    Hít Thở
    Luyện Tập
    Người Hướng Dẫn
    Pranayama
    Thiền

    RSS Feed

Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • Home
    • Lớp cộng đồng
  • About
  • Books
  • Blogs