Con đường Yoga
  • Home
    • Lớp cộng đồng
  • About
  • Books
  • Blogs

Yoga cơ bản và Yoga nâng cao - Tôi tập luyện đến đâu rồi?

7/14/2021

0 Comments

 
Picture
Câu hỏi: Yoga cơ bản và Yoga nâng cao có gì khác nhau? Làm sao tôi biết khi nào mình có thể học được lớp Nâng cao?

Trả lời:
Yoga là một chuyến hành trình mà mỗi người phải tự mình trải nghiệm. Bạn có thể nghe ai đó nói về Yoga, về những lợi ích diệu kỳ mà bộ môn này mang lại. Bạn có thể nhìn thấy hình ảnh nào đó về Yoga, về những tư thế khó, về khả năng uốn dẻo hay đứng bằng đầu. Bạn cũng có thể đọc ở đâu đó về Yoga, về những vị thiền sư, về thân tâm trí, về sự tỉnh thức hay giác ngộ. Thế nhưng, tất cả chỉ là những câu chuyện, nếu như bạn không tự mình trải nghiệm.

Để trả lời cho câu hỏi về sự khác biệt giữa Yoga cơ bản và Yoga nâng cao, trong giới hạn bài viết, chúng ta tạm thời chia Yoga theo hai cách tiếp cận.

Thứ nhất, tập luyện Yoga với ý nghĩa tập luyện tư thế (Asana), hướng đến mục tiêu tăng cường thể chất, hay thư giãn tinh thần.
​

Thứ hai, tập luyện Yoga với ý nghĩa là một quá trình làm chấm dứt sự lạc lối của ý thức cá nhân, Yogaschitta vrtti nirodhah

Picture
1- Tập luyện Yoga với ý nghĩa tập luyện tư thế (Asana), hướng đến mục tiêu tăng cường thể chất, hay thư giãn tinh thần 
Với ý nghĩa này, lớp Yoga cơ bản - hay chính xác là lớp Asana cơ bản - thường dành cho người mới, trong những lần đầu tiếp cận với Yoga. 

Trong lớp cơ bản, bạn sẽ được giới thiệu khái quát về Yoga, về các hình thức tập luyện, những tư thế cơ bản ví dụ chó cúi mặt, chó ngửa mặt, chiến binh 1, chiến binh 2, cái cây, trái núi… Lưu ý rằng, mỗi trung tâm khác nhau sẽ có những lớp cơ bản khác nhau, tùy vào cách tiếp cận. Tuy nhiên, đối với người mới, vẫn phải đảm bảo cách tiếp cận chậm rãi, nhẹ nhàng, không quá sức.

Sau một thời gian tập luyện, bạn sẽ nhớ được tên các tư thế, cách thức vào từng các tư thế, theo định tuyến, theo cảm nhận, theo các biến thể tùy vào sức của mình. Người tập sẽ được hướng dẫn kết hợp các tư thế để thực hiện các chuỗi động tác, trong đó phổ biến nhất là các chuỗi chào mặt trời và biến thể. Khi đã nhuần nhuyễn các tư thế cơ bản, người tập sẽ được hướng dẫn những tư thế phức tạp hơn, còn gọi là các tư thế khó. Các tư thế khó đòi hỏi sự kiểm soát rất nhiều các yếu tố khác nhau trong cùng một thời điểm, ví dụ sức mạnh, dẻo dai, thăng bằng, linh hoạt, và thư giãn.

Cũng với ý nghĩa này, lớp Yoga nâng cao - hay chính xác là lớp Asana nâng cao - thường dành cho người đã tập luyện trong một thời gian dài, đã nắm vững định tuyến, có thể thực hiện hầu hết các tư thế cơ bản một cách thoải mái và cân bằng.

Trong các lớp nâng cao, bạn sẽ được hướng dẫn các tư thế khó, ví dụ như con rùa, con công, bò cạp, đứng bằng đầu, đứng bằng tay… Người tập luyện sẽ được hướng dẫn gia tăng cảm nhận nhiều hơn vào cơ thể, thay vì chỉ đơn thuần tập trung vào tư thế.

Một lần nữa, sự phân chia về các tư thế đơn giản hay phức tạp chỉ có tính chất tương đối. Nó khác biệt giữa trung tâm với trung tâm, giữa giáo viên với giáo viên, giữa người tập luyện với người tập luyện. Một tư thế có thể là vô cùng đơn giản với người này, nhưng lại rất phức tạp với người khác, tùy thuộc vào thể trạng.

Để nhận biết khi nào mình có thể tập lớp nâng cao, người tập luyện trước hết hãy lắng nghe cơ thể mình. Bạn có cảm thấy thoải mái khi đến lớp tập? Bạn có cảm thấy thoải mái khi thực hiện tư thế? Và bạn có cảm thấy thoải mái sau khi kết thúc, trở về nhà? Nếu cảm thấy đau đớn, khó chịu hay bứt rứt sau mỗi lần tập luyện, rất có thể đã có điều gì đó không đúng. Tốt nhất, hãy trao đổi với giáo viên hướng dẫn trực tiếp, để có những điều chỉnh phù hợp.
​

Nếu bạn kiên định thực hành từng bước một, các tư thế khó sẽ dần dần trở nên dễ dàng theo quá trình luyện tập, không cần gắng sức. Tư thế khó nên được xem là kết quả tự nhiên của quá trình luyện tập. Nó không nên xem là mục tiêu để phấn đấu, như nhiều người thường nghĩ.

Picture
2 - Tập luyện Yoga với ý nghĩa là một quá trình làm chấm dứt sự lạc lối của ý thức cá nhân - Yogaschitta vrtti nirodhah
Với ý nghĩa này, việc tập luyện tư thế Asana thuộc về nhánh thứ ba trong 8 nhánh Ashtanga - lần lượt là (1) Yama, (2) Niyama, (3) Asana, (4) Pranayama, (5) Pratyahra, (6) Dharana, (7) Dhyana, (8) Samadhi. 

“Asana là một tư thế ngồi cân bằng và thoải mái. Để thông tuệ, (người thực hành) cần phải buông bỏ mọi nỗ lực gắng sức, để tập trung vào dòng năng lượng vô tận (kundalini) hướng đến thiền định. Kết quả, (người thực hành) sẽ được làm dịu lại tính nhị nguyên của trạng thái.” (Yoga Sutras - Sadhana Pada - Câu 46, 47, 48)

Với vai trò là bước thứ ba trong tám nhánh của Ashtanga, Asana không hướng đến những tư thế phức tạp như con công, con sếu, đứng bằng tay hay đứng bằng đỉnh đầu, mà thật ra là ngược lại. Asana là một tư thế ngồi cân bằng thoải mái, để hướng đến trạng thái thiền định.

Có hai con chim bồ câu bị buộc vào hai sợi dây, nối liền vào một cây cột. Chúng toán loạn, sợ hãi, liên tục đập cánh để thoát khỏi trạng thái giam cầm. Thế nhưng, vì không có sự đồng lòng, mỗi con lại bay theo một hướng, con này đập cánh thì con kia nằm nghỉ. Cứ như vậy, dù cho hai con bồ câu có cố sức thế nào, thì cây cột vẫn không hề suy chuyển. 

Câu hỏi được đặt ra lúc này là làm thế nào để có thể hướng dẫn hai con chim bồ câu nhận ra được tình trạng của mình, để đồng lòng hợp sức và thoát khỏi cây cột? 
Câu trả lời là không có cách nào cả. Trong tình trạng hoảng loạn, mọi lời hướng dẫn bên ngoài đều trở nên thừa thãi. Chúng vẫn sẽ không nghe. Chúng vẫn sẽ làm theo ý mình, ngày này qua tháng nọ. 

Và như vậy, chỉ còn một giải pháp đó là hãy cứ để cho chúng bay liên tục, bay mệt nhoài, đến khi không còn chút sức lực nào để hoảng loạn. Bởi nếu như hai con chim bồ câu vẫn nghĩ rằng, chỉ cần cố sức là có thể thoát, thì chúng sẽ tiếp tục cố sức như thế mà không cần bất kỳ lời khuyên nào. Điều chúng ta cần chờ đợi lúc này là cả hai phải hoàn toàn bỏ cuộc. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể hướng dẫn cả hai cùng bay về một hướng, đập cánh cùng một lúc, để đồng lòng bứng tung cây cột.
​

Điều tương tự diễn ra với tâm trí một con người. Có quá nhiều luồng suy tưởng bị buộc vào những sợi dây, nối liền vào một thân xác. Chúng toán loạn, sợ hãi, liên tục suy diễn để thoát khỏi trạng thái giam cầm. Thế nhưng, vì không có sự đồng nhất, vì không thể nào hòa hợp, mỗi suy nghĩ lại đi theo một hướng, khiến con người rơi vào hỗn loạn. Trong trường hợp đó, mọi lời khuyên răn, hướng dẫn đều trở nên thừa thãi. Giải pháp duy nhất lúc này, buộc lòng các luồng suy tưởng phải bay liên tục, bay mệt nhoài, đến khi không còn chút sức lực nào để hoàng loạn. Và khi đó, một thoáng nhìn về cân bằng thoải mái, dẫu rằng ở mức độ thấp nhất, có khả năng xuất hiện.

Picture
Quá trình thực hành Asana cũng chính là quá trình chuyển động của cơ thể cho đến khi những xáo động được lắng xuống, để người thực hành có thể ngồi yên. Bởi nếu không làm gì, tâm trí sẽ luôn hỗn loạn. Người thực hành luôn muốn cảm thấy khó chịu, bứt rứt, luôn muốn làm một điều gì đó, bất cứ điều gì. Họ phải đạt được mục tiêu, họ phải đạt được thành quả, họ phải được thương yêu, họ phải được nhìn nhận, họ phải liên tục nỗ lực thực hiện cho đến khi mệt nhoài, không còn sức lực hoảng loạn. 

Bạn biết đấy, nếu như bạn có một mục tiêu mà chưa thể nào thực hiện được, thì ham muốn ấy sẽ mãi đau đáu trong lòng, không có cách nào quên đi được. Nếu như chưa từng đón nhận được cảm giác yêu thương, bạn sẽ luôn mong muốn tìm thấy được một cộng đồng để thuộc về, để có thể chia sẻ. 

Bởi vì không thể ngồi, nên ta phải đứng. Bởi vì không thể đứng, nên ta phải đi. Bởi vì không thể đi, nên ta phải chuyển động, bằng tư thế, bằng rất nhiều tư thế, mỗi lúc một phức tạp, cho đến khi có thể yên lòng và ngồi xuống. Việc thực hành Asana có thể được xem là một quá trình mô phỏng lại cuộc sống, thông qua việc các tư thể để thỏa mãn những ham muốn, với hy vọng đến một ngày, người thực hành giật mình thức tỉnh, nhận ra một điều… À thì ra mục tiêu của Asana không phải là tư thế khó. Tư thế khó chỉ là phương tiện. Mục tiêu của Asana là ngồi xuống. 

Lúc khởi đầu, một người thầy xuất hiện, chỉ ngồi đó nhắm mắt. Một vài người thực hành gật đầu. Họ đã hiểu. Mọi sự đã hoàn thành. Không còn gì sau đó nữa. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người ngơ ngác. Người thầy mở mắt, được rồi, bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau hít thở. Thêm một vài người thực hành gật đầu. Họ đã hiểu. Mọi sự đã hoàn thành. Không còn gì sau đó nữa. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người ngơ ngác. Người thầy tiếp tục, thôi được, bây giờ chúng ta sẽ chuyển động. Sau một vài tư thế, một vài người đã hiểu, mọi sự đã hoàn thành. Thế nhưng, vẫn còn rất đông người tiếp tục. Mỗi lúc, mỗi lúc, những tư thế sẽ ngày một thử thách hơn, cho đến khi tất cả người thực hành đều có thể hiểu.

Picture
Với cách tiếp cận này, Yoga nâng cao - hay chính xác hơn là Asana nâng cao - không hướng đến tư thế khó hay tư thế phức tạp. Asana được hoàn thiện khi người thực hành có thể ngồi lặng thinh một cách thoải mái và cân bằng.

Nếu chỉ nói, thì có vẻ là rất dễ, bởi vì ai trong chúng ta cũng có thể ngồi xuống. Đó là lý do tại sao trong Yoga, việc tự mình trải nghiệm là điều rất quan trọng. Hãy ngồi xuống, nhắm mắt và hít thở. Hãy cảm nhận xem, bạn có thể ngồi trong tư thế đó bao lâu?

Rất có thể, bạn sẽ cảm thấy mỏi chỉ sau mười phút. Bạn đau lưng, bạn đau chân, bạn đau hông, bạn có cảm giác như có hàng ngàn con kiến đang bò khắp người mình. Điều đó có nghĩa là bạn chưa ngồi thoải mái và cân bằng. Bạn cần tập luyện thêm.

Rất có thể, bạn sẽ cảm thấy mệt chỉ sau mười phút. Bạn cảm thấy không có một chút sức lực nào, bạn cảm thấy buồn ngủ, bạn chỉ muốn thoát tư thế và đi ngủ. Điều có cũng có nghĩa là bạn chưa ngồi thoải mái và cân bằng. Nó không hề dễ phải không?

Hãy trao đổi thêm với giáo viên hướng dẫn trực tiếp, để có những điều chỉnh phù hợp, để hoàn thiện Asana trước khi bắt đầu tập luyện bước tiếp theo là Pranayama.
0 Comments



Leave a Reply.

    Picture

    Categories

    All
    Asana
    Ashtanga
    Đường đến Yoga
    Hít Thở
    Luyện Tập
    Người Hướng Dẫn
    Pranayama
    Thiền

    RSS Feed

Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • Home
    • Lớp cộng đồng
  • About
  • Books
  • Blogs