Người Yogi đã đi rất nhiều nơi. Anh đã trở thành rất nhiều thứ. Thế nhưng, dường như câu trả lời vẫn còn nằm ở một nơi nào đó, quá xa vời.
Mọi thứ đang sai ở chỗ nào vậy? Người Yogi ngẫm nghĩ. Anh quyết định ngồi xuống và quay trở lại khởi nguồn. Rốt cuộc, phiền não là gì? Và đâu mới là nguyên nhân dẫn đến phiền não? Vào lúc này, người Yogi nhận thấy phiền não lớn nhất của con người, chính là cái chết. Tiếp theo đó, là phải trải nghiệm những gì họ không thích. Tiếp theo đó, là phải rời xa những gì họ thích. Và cuối cùng, họ bị bó buộc vào một hoặc một vài vai trò mình phải gánh vác trong cuộc đời. Tất cả những điều đó đã tạo nên những bức tường, ngăn cản một người nhìn thấy sự thật. Với những gì đã xảy ra, người Yogi cho rằng giải pháp hoàn hảo nhất là hãy tận hưởng một cuộc sống ý nghĩa, đa dạng, đầy màu sắc, bằng việc đảm nhiệm thật nhiều vai trò. Anh đã trở thành một nhà văn, anh đã trở thành một thầy giáo. Thỉnh thoảng, anh làm việc ở ngân hàng. Đôi khi, anh làm việc ở tiệm bánh. Anh trở thành tất tần tật những gì có thể là, để ngắm nhìn một cuộc sống đầy thú vị. Thế nhưng, tất cả những điều đó vẫn chỉ là góc nhìn. Việc thay đổi tính định danh, cái tôi, hay vai trò là chưa đủ. Anh còn phải loại bỏ cả những gì mình thích, mình không thích, để hướng đến đích cuối cùng là loại bỏ nỗi sợ chết. Câu hỏi này dẫn đến câu hỏi khác. Suy nghĩ này dẫn đến suy nghĩ khác. Người Yogi nhận ra rằng, vốn dĩ, nguồn gốc của phiền não đều bắt nguồn từ ham muốn của tinh thần, mà cụ thể hơn nữa, là ham muốn của các giác quan. Tại sao vậy nhỉ? Người Yogi tự hỏi. Vì nỗi sợ chết. Người Yogi tự trả lời. Để tồn tại, con người phải liên tục chống chọi với điều kiện thời tiết, với thiên nhiên thú dữ, với mối quan hệ của muôn loài. Cũng vì thế, các giác quan đã phải tự trui rèn sự cảnh giác, để có thể bảo vệ mình. Nhưng cũng vì thế, các giác quan cũng đã quá tập trung vào thế giới bên ngoài, mà quên mất đi sự cảm nhận của thế giới bên trong. Tất cả mọi phiền não đều bắt nguồn từ ham muốn. Vấn đề là không có cách nào thỏa mãn được ham muốn từ thế giới bên ngoài, cho dù có thử bao nhiêu lần đi chăng nữa. Một khi ham muốn chưa được lấp đầy, ngay lập tức nó sẽ thôi thúc người thực hành phải thỏa mãn bản thân mình. Thế nhưng, một khi ham muốn đã được lấp đầy, cũng ngay lập tức, nó sẽ đòi hỏi thêm một hoặc một vài ham muốn khác. Một vòng xoáy không hồi kết, khi con người cố thỏa mãn ham muốn từ thế giới bên ngoài. Người ở Sài Gòn thích không khí ở Đà Lạt. Người ở Đà Lạt thích không khí ở Sài Gòn. Người làm việc văn phòng thấy người làm việc freelance thật tự do. Người làm việc freelance thấy người làm việc văn phòng thật ổn định. Người bình thường mong muốn có một cuộc sống giống như người nổi tiếng, để có nhiều người ngưỡng mộ. Người nổi tiếng mong muốn có một cuộc sống giống như người bình thường, để có thể tận hưởng mọi thứ thật yên bình. Dường như, có một nghịch lý là chúng ta đang ngày đêm nỗ lực để đến được một nơi, mà tại đó, cũng có ai đó đang ngày đêm nỗ lực để rời khỏi. Giác quan thật phiền toái. Người Yogi ngẫm nghĩ. Khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác, thính giác đều đang gào thét, bắt người Yogi phải thỏa mãn mình. Từ trước đến giờ, anh cứ nghĩ mình là người làm chủ các giác quan, bắt bọn chúng phục vụ mình để cảm nhận thế giới. Nhưng giờ đây, anh đã nhận thức được rằng, dường như là ngược lại. Anh đang phải làm rất nhiều điều, chỉ để thỏa mãn chúng. Người Yogi gật gù. Đã đến lúc tiến sâu hơn một bước nữa vào chuyến hành trình. Anh ngồi xuống, nhắm mắt, và thu lại các giác quan. Đó là Pratyahara, hướng vào bên trong, nhánh thứ năm của 8 nhánh Ashtanga.
0 Comments
Trong quá trình tìm kiếm sự thật, người Yogi đã tìm thấy bản thân mình. Trong quá trình tìm kiếm bản thân mình, người Yogi nhận thức được Thượng Đế.
Anh đi rất nhiều nơi, anh đọc rất nhiều sách, anh gặp gỡ rất nhiều người. Những mảnh ghép bắt đầu hoàn thiện. Thế nhưng, người Yogi cũng bắt đầu nhận thức được những giới hạn. Anh không thể nào hiểu được Thượng Đế. Anh không có đủ thời gian, anh không có đủ kiến thức, anh không có đủ bất cứ nguồn lực nào để có thể hiểu được tường tận kế hoạch mà Thượng Đế đã tạo ra cho muôn loài. Thế nhưng, không bỏ cuộc, người Yogi vẫn tiếp tục chuyến hành trình. Người Yogi nghe nói Thượng Đế có mặt ở khắp mọi nơi. Và như vậy, anh quyết định đi đến khắp mọi nơi để tìm kiếm. Anh từ bỏ gia đình, từ bỏ nhà cửa, từ bỏ tất cả mọi ham muốn và trở thành một người du mục. Anh cứ đi, đi mãi, trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, rồi nhiều chục năm. Thế nhưng, người Yogi vẫn chưa thể nào tìm được Thượng Đế. Người Yogi nghe nói Thượng Đế có mặt trong tất cả muôn loài. Và như vậy, anh quyết định trở thành tất cả muôn loài để tìm kiếm. Anh ngồi xuống, quan sát và bắt chước. Anh trở thành cái cây. Anh trở thành trái núi. Anh trở thành con cá. Anh trở thành con công. Anh trở thành chiến binh, anh trở thành vị thần. Anh trở thành người bình thường. Anh trở thành con bò. Anh trở thành con chó. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, trong nhiều năm. Không một ai thật sự biết chính xác người Yogi đã phải trải qua những gì. Thế nhưng, anh vẫn chưa thể nào gặp mặt Thượng Đế. Dường như có điều gì đó không ổn. Người Yogi ngẫm nghĩ. Nếu Thượng Đế có mặt ở khắp mọi nơi, tồn tại trong tất cả muôn loài, vậy tại sao anh vẫn chưa thể nào tìm thấy? Người thanh niên mở mắt. Anh nhận thấy mình đang ngồi ở bìa rừng. Không rõ từ đâu, một con rắn từ trong bụi cỏ xuất hiện, nó trườn đến trước mặt anh vươn cổ và rít lên. Người Yogi nhìn con rắn. Con rắn nhìn người Yogi. Cả hai nhìn nhau liên tục trong một thời gian dài. Nhưng rồi, con rắn trườn đi. Vào khoảnh khắc ấy, người Yogi chợt nhận ra được một điều. Anh không thể nào trở thành một con rắn tốt như một con rắn. Anh không thể nào trở thành một con công tốt như một con công. Hãy cứ để những con vật thực hiện tốt những vai trò mà chúng được ban tặng. Còn anh? Người Yogi bật cười. Nếu quả thật Thượng Đế có mặt ở khắp mọi nơi, tồn tại trong tất cả muôn loài… Vậy thì Thượng Đế cũng đang ở đây, trong chính cơ thể này. Không cần phải đi đâu cả. Không cần phải trở thành cái cây. Không cần phải trở thành trái núi. Không cần phải trở thành bất cứ con vật nào. Người Yogi quyết định trở thành chính mình. Anh ngồi xuống, nhắm mắt. Ngày xửa, ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có một người được sinh ra trong một gia đình quyền quý. Ngay từ nhỏ, cậu bé đã được nâng niu chăm sóc, không thiếu thốn bất kì một thứ gì. Mọi món ngon vật lạ, mọi danh lam thắng cảnh, cậu đã được đi, cậu đã được nếm, cậu đã được chiêm nghiệm. Thế nhưng, rõ ràng, có điều gì đó không ổn. Cậu không biết lý do tại sao. Cậu không biết diễn tả như thế nào. Cậu chỉ biết giữ những điều đó cho riêng mình.
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, cậu bé lớn lên trở thành một chàng thanh niên trong tình yêu thương của gia đình. Một ngày kia, người thanh niên đổ bệnh. Anh không thể ăn. Anh không thể ngủ. Anh chỉ nằm một chỗ, li bì và ngẫm nghĩ. Lần đầu tiên, anh nhận thức được sự yếu đuối của bản thân mình, dù được bao bọc trong của cải. Anh bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh, anh bắt đầu tìm hiểu về cơn đau. Chuyện này dẫn đến chuyện nọ, anh bắt đầu tìm hiểu về cái chết, và những gì xảy ra sau đó. Phải chăng, cuộc đời của một con người không gì khác ngoài những phiền não? Tại sao con người được sinh ra? Tại sao con người phải chết đi? Và nếu vậy, những tháng năm tồn tại trong cuộc sống thì có ý nghĩa gì, khi rồi đây, tất cả sẽ biến mất. Con người không thích quá nhiều thứ, từ thiên nhiên cho đến thú dữ, từ thời tiết cho đến môi trường. Con người không thích các động vật khác. Con người không thích lẫn nhau. Và rồi, con người cũng thích quá nhiều thứ, những cái họ không có được, những cái họ đánh mất, và kể cả những cái không thuộc về mình. Con người khoác lên trên người quá nhiều tên gọi, với quá nhiều vai trò, nhưng sự thật, chẳng một ai hiểu rõ chính bản thân mình. Con người không biết họ từ đâu đến, không biết họ sẽ đi đâu, và không biết chuyện gì đang xảy ra ở giữa. Người thanh niên không biết. Nhưng thật lòng, anh rất muốn được biết. “Sau khi Asana được thuần thục (người thực hành có thể ngồi xuống cân bằng thoải mái), Pranayama là quá trình làm thinh lặng chuyển động của hơi thở.”
(Yoga Sutras - Sadhana Pada - Câu 49) Nếu như Asana thường được hiểu với ý nghĩa phổ biến là động tác hay tư thế, thì Pranayama cũng thường được hiểu với ý nghĩa là các bài luyện tập hít thở. Ví dụ như hơi thở bụng, hơi thở kapalbhati, hơi thở toàn phần, hơi thở luân phiên, hay hơi thở ống bễ. Tuy nhiên, với vai trò là bước thứ tư trong 8 nhánh Ashtanga, Pranayama tập trung nhiều hơn vào sự kiểm soát, mở kéo dài, và làm thinh lặng chuyển động của hơi thở. Như bạn có thể thấy, theo định nghĩa, khi nói đến pranayama, chúng ta nói đến 3 giai đoạn khác nhau. 1. Kiểm soát: Bạn có chắc mình đang hít thở? Bạn có chắc mình đang hít thở đúng? Bạn có hụt hơi khi chơi thể thao? Bạn có hụt hơi khi đang làm việc? Liệu bạn có đang kiểm soát được hơi thở, hay bạn đang để hơi thở kiểm soát mình? 2. Mở rộng: Trong một phút, bạn đã sử dụng bao nhiêu hơi thở? Năm? Mười? Mười lăm hay hai mươi? Liệu việc mở rộng hơi thở có tác động thế nào đến tinh thần, đến sức khỏe, cũng như các trạng thái mà bạn đang mong muốn được trải nghiệm. 3. Làm thinh lặng: Hít vào và thở ra. Cuộc sống là những gì xảy ra ở khoảng giữa. Đầu tiên, hít thở là một quá trình gồm 4 bước, lần lượt là: 1/ Puraka: hít vào 2/ Antara Kumbhaka: giữ hơi sau khi hít vào 3/ Rechaka: thở ra 4/ Bhaya Kumbhaka: giữ hơi sau khi thở ra Lưu ý, Pranayama không phải hít thở sâu. Mặc dù trong rất nhiều bài thực hành, bạn được hướng dẫn là hãy hít sâu và thở chậm, để cảm nhận luồng không khí luân chuyển giữa bên trong và bên ngoài, thế nhưng đó không phải là pranayama. Đó được xem là một giai đoạn chuẩn bị, để giúp bạn gia tăng kiểm soát hơi thở, gần hơn với bước thanh tẩy (saucha) và thuộc về kriya. Một khi nói về pranayama, nghĩa là chúng ta ta đang nói về giai đoạn giữ hơi, làm thinh lặng sự chuyển động của hơi thở. Bằng cách này, hơi thở của người thực hành sẽ ngày một kéo dài. Điều đó cũng có nghĩa là số nhịp thở trong một phút sẽ ngày một thu ngắn lại. Trong điều kiện bình thường, một người trưởng thành hít thở từ 16 đến 20 lần một phút. Trong điều kiện bình thường, một người thực hành Yoga hít thở từ 12 đến 14 lần một phút. Trong khi thực hành pranayama, người thực hành giảm xuống chỉ còn hít thở từ 1 đến 2 lần một phút. Với một quá trình kiên định thực hành, không vội vã, trong nhận thức, một hơi thở của người Yogi có thể kéo dài khoảng 3 phút. Điều đó có nghĩa là trong 1 giờ đồng hồ, họ chỉ hít thở khoảng 20 lần, tương đương với số nhịp thở của một người bình thường trong 1 phút. Câu hỏi: Yoga liệu có thật sự giúp chữa bệnh? Những căn bệnh nào thì nên tập Yoga và những lưu ý nếu có là gì?
Trả lời: Đây là một câu hỏi khó, bởi vì nó có thể tạo ra một số hiểu lầm. Vì vậy, để có thể tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này, thì trước đó chúng ta cần tìm hiểu một vài yếu tố. Thứ nhất, Yoga là gì? Có người nói Yoga là thực hành. Có người nói Yoga là nghệ thuật. Cũng có người nói Yoga là tình yêu, hay thậm chí là những điều không thể nói. Dường như, việc có quá nhiều định nghĩa đã khiến cho không ít người thực hành cảm thấy có đôi chút hoài nghi và lo lắng. Liệu tôi có thể tập Yoga? Liệu tôi có thể tập Yoga tại nhà? Liệu tôi có phải tập Yoga với thầy Ấn Độ? Vậy còn các giáo viên Việt Nam? Khi nào thì tôi nên tập Hatha, khi nào thì nên tập Vinyasa, và khi nào là Ashtanga? Và liệu có một phương pháp tối ưu, hiệu quả nhất? Liệu Yoga có phải là uốn dẻo? Điều gì xảy ra nếu như tôi không dẻo? Liệu Yoga có phải dành riêng cho nữ? Điều gì xảy ra nếu như tôi không là nữ? Liệu Yoga có bắt buộc phải ngồi thiền? Điều gì xảy ra nếu như tôi không muốn ngồi thiền? Liệu Yoga có thật sự chữa bệnh? Điều gì xảy ra nếu như tôi không có bệnh? Có quá nhiều câu hỏi. Có quá ít câu trả lời. Và quan trọng hơn nữa, để tìm hiểu về Yoga, liệu có nhất thiết phải có được câu trả lời, hay chỉ cần thực hành tốt là đủ? Theo Yoga Sutras của Patanjali, Yoga là quá trình chấm dứt sự lạc lối của ý thức cá nhân. Và khi đã đạt được trạng thái đó, người tìm kiếm sẽ thiết lập và giữ gìn những giá trị tự nhiên thiết yếu. Yoga là một chuyến hành trình, trong đó có rất nhiều cột mốc cần đạt được, ví dụ như Asana, Pranayama, Pratyahara, Dharana, Dhyana, Samadhi… Hiện nay, khi nói về Yoga, đa phần chúng ta sẽ đề cập đến hai chủ đề phổ biến là Asana (Động tác, tư thế), hoặc Pranayama (Hơi thở). Đôi khi bạn cũng có thể nghe nói đến Dhyana (Thiền). Yoga không đơn thuần chỉ là những động tác, hay tư thế. Yoga còn là một con đường, với rất nhiều cột mốc cần trải nghiệm ví dụ như Asana, Pranayama, Pratyahara, Dharana, Dhyana, Samadhi… Trải qua quá trình đó, người thực hành sẽ từng bước trưởng thành về mặt nhận thức, để hướng đến mục tiêu cuối cùng là thiết lập và giữ gìn những giá trị tự nhiên thiết yếu. Điều đó có nghĩa là sức khỏe thể chất chỉ là một trong những điều kiện cần có để trải nghiệm con đường này, chứ không phải mục đích cuối cùng. Để tìm hiểu về Yoga sức khỏe và chữa bệnh, hãy nói về chiếc xe và những chuyến hành trình. Hãy hình dung, để thực hiện một chuyến hành trình, trước hết bạn cần có một chiếc xe (đó là cơ thể). Nếu chiếc xe có vấn đề, ví dụ không có đèn, không có thắng, không được bảo dưỡng định kỳ, thì rất khó để có thể đi xa được (chưa kể đến trường hợp bị tai nạn). Một chiếc xe tốt là điều kiện cần thiết. Tuy nhiên, nếu tất cả những gì bạn quan tâm là chiếc xe, thì bạn cũng chẳng thể nào đi đâu được. Bởi khi đó, bạn sẽ lo sợ chiếc xe bị dơ, bị trầy, bị va quẹt. Tất cả những gì bạn làm chỉ là chạy loanh quanh khu phố, khoe với mọi người về chiếc xe. Bạn có thể có một chiếc xe tốt, nhưng bạn không bao giờ có được chuyến hành trình. Chiếc xe là cơ thể, cuộc sống là chuyến hành trình. Rốt cuộc thì, điều gì là quan trọng? |