Con đường Yoga
  • Home
    • Lớp cộng đồng
  • About
  • Books
  • Blogs

Đường đến Yoga, đường trở về nhà - Hít thở (3/3)

4/4/2021

0 Comments

 
Picture
D/ Prana và Yoga
​
Khi nói đến Yoga, chúng ta sẽ nói rất nhiều đến hơi thở. Bởi như bạn đã biết, hít thở là một hoạt động vô cùng quan trọng đối với sinh mệnh con người. Có rất nhiều cách hít thở khác nhau phục vụ cho những mục tiêu khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu qua một vài hơi thở trong pranayama:
​

CÁC KỸ THUẬT PRANAYAMA
Các bài tập pranayama được bắt đầu bằng một hơi thở ra hoàn toàn, bằng cách đẩy nhẹ bụng sát vào cột sống, để tống hoàn toàn thán khí ra khỏi cơ thể.

Các kỹ thuật Pranayama cấp độ cơ bản với mục tiêu gia tăng cảm nhận, có thể thực hiện cùng khi tập các động tác Yoga:
  • Hơi thở cơ bản: Hít sâu và thở chậm. Bụng phình lên khi hít vào, xẹp xuống khi thở ra.
  • Cảm nhận hơi thở ra: hơi thở kapalbhati. Hít sâu bằng mũi, bụng phình lên. Sau đó dùng cơ bụng, hóp mạnh bụng để tống hơi ra ngoài. Người thực hành chỉ tập trung vào việc đẩy hơi ra, khi đó hơi hít vào là tự nhiên thụ động.
  • Cảm nhận hơi hít vào: hơi thở toàn diện. Hít sâu, bụng phình lên, tiếp tục hít sâu, ngực phình lên, tiếp tục hít sâu, vai nâng nhẹ. Thở ra chậm rãi, cảm nhận hơi thở nhẹ nhàng không tiếng động được đẩy qua cánh mũi. Có thể hơi siết nhẹ bụng trong khi đẩy hơi ra để cảm nhận.
  • Kết hợp hơi thở và chuyển động: hơi thở Ujjayi. Hít sâu bằng mũi, khi thở ra khép nhẹ cuống họng, khép nhẹ miệng, đẩy hơi ra lỗ mũi để tạo ra âm thanh. Một cách tự nhiên, bụng sẽ hơi xiết lại. Trong những lần đầu, nếu không nghe được tiếng khi thở ra là bình thường. Cứ luyện tập, khi hơi thở dày hơn và khả năng kiểm soát hơi tốt hơn, sẽ có tiếng.
  • Kết hợp hơi thở và thư giãn. Thường được thực hiện khi nghỉ ngơi hoặc tư thế savasana. Gần giống với hơi thở toàn diện, nhưng không gắng sức.
  • Hơi thở luân phiên: Dùng ngón cái tay phải che lỗ mũi phải, hít vào bằng lỗ mũi trái. Sau đó, dùng ngón giữa và áp út tay phải che lỗ mũi trái, thở ra bằng mũi phải. Tiếp tục hít vào bằng lỗ mũi phải. Sau đó, dùng ngón cái tay phải che lỗ mũi phải, thở ra bằng lỗ mũi trái. Tiếp tục như vậy. Khi nâng cao, bạn có thể kiểm soát hơi hít vào và thở ra bằng lỗ mũi, không cần dùng tay hỗ trợ. Hơi thở luân phiên thường được thực hiện trong các tư thế ngồi thư giãn.
Picture
Cấp độ trung cấp với mục tiêu kiểm soát, mở rộng hơi thở, thường được thực hiện sau các bài tập asana, trong tư thế ngồi thoải mái, lưng thẳng
  • Hơi thở bốn thì: Thì 1 hít sâu, nhẹ nhàng bằng mũi. Thì 2 nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào. Thì 3 thở ra nhẹ nhàng thoải mái, thời gian bằng thì 1. Thì 4 nín thở, thời gian bằng thì 1.
  • Hơi thở luân phiên kết hợp nín hơi: tương tự như hít thở luân phiên, nhưng sau khi hít vào và thở ra, có một khoảng dừng nín hơi như thì 2 và thì 4 của hít thở 4 thì.
  • Hơi thở ống bễ: sự kết hợp giữa hơi thở hơi thở kapalbhati và hơi thở luân phiên. Dùng ngón cái tay phải che lỗ mũi phải, sau đó dùng hơi thở kapalbhati, dùng cơ bụng, hóp mạnh bụng lại tống hơi ra ngoài. Hơi hít vào là thụ động. Tương tự với bên còn lại. 
  • Hơi thở bậc thang: tương tự với hơi thở 4 thì. Tuy nhiên, hơi thở có sự ngắt quãng, giống như bạn đi lên cầu thang. Ví dụ: hít vào (1,2) - nín hơi (1,2) - hít vào (1,2) - nín hơi (1,2) - hít vào (1,2) - nín hơi (1,2); thở ra (1,2) - nín hơi (1,2) - thở ra (1,2) - nín hơi (1,2). Tùy vào khả năng và trạng thái cơ thể, có thể có nhiều bậc hơn và thời gian mỗi bậc được kéo dài hơn.​
Picture
Cấp độ nâng cao với mục tiêu kiểm soát dòng năng lượng, được thực hiện trong tự thế ngồi thoải mái, lưng thẳng
Tương tự với các hơi thở trung cấp, nhưng có kết hợp với các khóa bandha. Trong đó đặc trưng là xiết hậu môn, đẩy bụng vào, cằm hơi hướng về ngực trong mỗi lần nín hơi, để cảm nhận dòng năng lượng di chuyển trong cơ thể.
Pranayama thường được tập sau asana, với một tư thế ngồi thoải mái, trong một không gian yên tĩnh, thoáng mát, có các nguồn nước và cây xanh.

ỨNG DỤNG CỦA PRANAYA
Với mục tiêu hướng đến thể chất, pranayama tỏ ra hiệu quả với hai ứng dụng: tăng cường sinh khí và thanh lọc cơ thể. 
Chúng ta đã biết bằng việc hít thở sâu và chậm, prana sẽ có đủ thời gian cần thiết để thẩm thấu vào cơ thể, giúp tích lũy sinh lực. Đối với mục tiêu thanh lọc, chúng ta cần kết hợp thêm với các động tác vặn xoắn trong asana.

Hãy hình dung một chiếc ống hút. Bạn sẽ làm gì để làm sạch một chiếc ống hút đang bị đóng bụi bẩn? Cách đơn giản nhất, chúng ta sẽ dùng hơi thở thổi vào, để đẩy bụi bẩn bay ra ngoài. Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như vết bụi bẩn đó đã bám lâu ngày và tạo thành những mảng lớn.. Khi đó chỉ thổi không là chưa đủ. Chúng ta cần dùng tay để vặn xoắn chiếc ống hút, để tách các hạt bụi ra thành những hạt nhỏ. Sau đó, mới có thể dùng hơi thở để tống chúng ta ngoài. 

Tương tự, hãy hình dung ẩn sâu bên dưới lớp da của bạn là một hệ thống với hàng ngàn đường ống từ mạch máu, đường truyền thần kinh, cho đến đường truyền prana. Vì nhiều lý do khác nhau, ví dụ như thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, chế biến sẵn, hoặc thường xuyên ngồi sai tư thế, thiếu vận động khiến cho các đường ống này bị tắc nghẽn. Cùng một nguyên tắc để làm sạch chiếc ống hút, chúng ta cần thực hiện các động tác vặn xoắn để làm mỏng dần các mảng bám, sau đó dùng hơi thở sâu để tống chúng ra ngoài. Đó là lý do tại sao sau một thời gian tập luyện Yoga, bên cạnh tác động giảm cân, giảm mỡ, bạn còn cảm nhận được cơ thể trở nên nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn.​
Picture
Với mục tiêu hướng đến thiền định, pranayama tỏ ra hiệu quả với hai ứng dụng: luân chuyển prana, sử dụng cơ thể và hướng đến dòng năng lượng Sushumna. 
Đây có thể xem là ứng dụng nâng cao của pranayama, khi bạn có thể chủ động kiểm soát và điều hướng dòng chảy năng lượng prana, tập trung vào các mục tiêu riêng biệt. Ví dụ để đứng thăng bằng, bạn cần gia tăng sự tập trung vào điểm tiếp xúc sàn, các vùng cơ đang nắm giữ, cơ bụng theo trục cơ thể, và sự tập trung giữa hai đầu chân mày. 

Việc kiểm soát được dòng năng lượng sẽ giúp bạn thực hiện các hoạt động một cách tối ưu hơn gấp nhiều lần so với không chú ý. Ví dụ cùng một chiếc xe máy, nhưng vận động viên chuyên nghiệp có thể vận hành, ôm cua, leo dốc một cách rất nhuần nhuyễn, trong khi người mới tập lại sẽ rất vất vả mới có thể giữ thăng bằng. Tương tự, cùng một cú đấm, nhưng một võ sĩ quyền anh có thể vận dụng lực tốt hơn, gây tác động nhiều hơn, so với một người mới luyện tập.

Hãy hình dung một chiếc máy radio. Mỗi đài khác nhau, với các chương trình khác nhau, sẽ có những tần số phát sóng khác nhau. Một chiếc máy radio tốt là một chiếc máy có thể điều chỉnh dễ dàng để tiếp nhận các tần số này một cách rõ ràng, theo mục đích của người sử dụng. Một chiếc máy radio không tốt đôi khi chỉ bắt được một, hoặc một vài đài, hoặc thậm chí một chiếc radio hư chỉ bắt được những âm thanh rè rè gây khó chịu. Tương tự với những gì đang diễn ra với cơ thể. Một người sử dụng cơ thể hiệu quả là người có khả năng điều chỉnh dòng năng lượng prana theo ý muốn, phục vụ tốt nhất cho từng hoạt động, ví dụ khi hẹn hò khác với khi đọc sách, khi chạy mô tô đi phượt khác với khi chơi bóng rổ. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn đi bạn hẹn hò với một năng lượng như khi đang thi đấu? Liệu bạn có phân biệt được những tần số rung động khác nhau? Và liệu bạn có khả năng kiểm soát các tần số khác nhau? Việc thực hành yoga, pranayama, có thể giúp bạn cảm nhận được điều này. 

Về ứng dụng hướng đến dòng năng lượng Sushumna: đây là ứng dụng chuyên sâu hướng đến thiền định. Vào lúc này, chúng ta chỉ dừng lại ở mức giới thiệu.
0 Comments



Leave a Reply.

    Picture

    Categories

    All
    Asana
    Ashtanga
    Đường đến Yoga
    Hít Thở
    Luyện Tập
    Người Hướng Dẫn
    Pranayama
    Thiền

    RSS Feed

Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • Home
    • Lớp cộng đồng
  • About
  • Books
  • Blogs